Các chế độ đãi ngộ về lương thưởng trong ngành CNTT không ngừng tăng mạnh nhưng DN vẫn “đỏ mắt” tìm nhân sự. (Ảnh minh họa)
Báo cáo cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh thời gian tới. Cụ thể, năm 2019, số lượng nhân lực CNTT cần có là 350.000, tuy nhiên, mức thiếu là khoảng 90.000 nhân sự. Hai năm tới, trong khi số nhân lực cần có ước tính khoảng 400.000 người năm 2020 và 500.000 người năm 2021, tương ứng với mức thiếu hụt số lượng nhân sự CNTT là 100.000 nhân sự (năm 2020) và 190.000 (năm 2021).
"Cả nước hiện có 235 trường đại học, trong đó có 153 trường đào tạo công nghệ thông tin, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường, trong đó chỉ có 30% làm việc được ngay, 70% phải đào tạo bổ sung", TopDev dẫn báo cáo của Bộ GD&ĐT, đồng thời nhấn mạnh rằng, bài toán đào tạo nhân sự CNTT chất lượng đang dần trở thành trọng tâm của cả ngành giáo dục và các DN công nghệ thông tin để đáp ứng công việc.
Các lý do chính dẫn đến tăng trưởng nóng với nhân sự CNTT có thể kể đến như, Việt Nam đã gây được sự chú ý khiến cho các công ty công nghệ trong khu vực tìm đến để thuê hoặc xây dựng đội ngũ phát triển sản phẩm; làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ngày càng mạnh, đặc biệt sau các thương vụ đầu tư lớn cho các startup công nghệ; làn sóng chuyển mình của các DN truyền thống trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, bất động sản... sang làm về chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Xét theo địa bàn, TP.HCM và Hà Nội tiếp tục là 2 TP có nhu cầu nhân sự CNTT lớn nhất, lần lượt chiếm 59% và 39% tổng số nhu cầu. Xét theo cấp bậc thì 78% việc làm CNTT yêu cầu nhân sự có kinh nghiệm; 10% yêu cầu nhân sự mới ra trường; 9% cần nhân sự quản lý và 1% là nhu cầu với nhân sự là giám đốc.
Nghiên cứu của TopDev từ hơn 250 khách hàng cho thấy, các nhà tuyển dụng đang nhắm đến các lập trình viên senior hoặc có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trở lên.
Hằng Vương