Cụ thể, đánh giá của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, tại một số bộ, địa phương, có hiện tượng thanh lý xe ôtô chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định, xe ôtô phục vụ công tác được thay thế phải đáp ứng các điều kiện, trong đó có yêu cầu xe đã sử dụng vượt quá thời gian (15 năm) mà không thể tiếp tục sử dụng hoặc bị hư hỏng mà không đảm bảo an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan có chức năng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính thanh lý 93 chiếc có thời gian sử dụng từ năm 2002-2007 (thiếu 1-6 năm so với quy định); Bộ NN&PTNT thanh lý 13 chiếc có thời gian sử dụng từ năm 2002-2006 (thiếu 1-5 năm).

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tỉnh Đồng Nai thanh lý 7 có chiếc thời gian sử dụng từ năm 2002-2009 (thiếu 1-8 năm); tỉnh Bình Thuận thanh lý 6 chiếc có thời gian sử dụng từ năm 2002-2006 (thiếu 1-5 năm).

Theo báo cáo, kết quả rà soát với quyết định 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy các bộ, ngành, địa phương dôi dư 2.334 xe công. Tuy nhiên, đến ngày 8/3, mới chỉ có 23/28 bộ, cơ quan Trung ương và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tình trạng xe dôi dư so với định mức chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp về Bộ Tài chính song vẫn mua sắm thêm xe phục vụ công tác và xe chuyên dùng. Một số cơ quan, địa phương bị chỉ tên là: Bộ Ngoại giao; TP Hồ Chí Minh; Đắk Lắk; Bình Thuận; Bình Dương; Quảng Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về ô tô công, theo báo cáo ngành kiểm toán, hiện chưa có quy định, hướng dẫn việc chuyển đổi từ xe phục vụ công tác sang xe chuyên dùng nhưng có 6 bộ và 1 tỉnh đã thực hiện việc này. Cụ thể, Bộ Tài chính chuyển 385 xe; tỉnh Bến Tre chuyển 9 xe, Ngân hàng Nhà nước chuyển 76 xe,…

Đáng chú ý, một số đơn vị, địa phương còn bị Kiểm toán Nhà nước nêu tên vì trang bị xe ôtô và xe chuyên dùng cho các cơ quan không có tiêu chuẩn được trang bị xe. Tại tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh đã cho phép 7 huyện mua mới 8 xe chuyên dùng (9 tỷ đồng), các huyện đều giao cho các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã quản lý, sử dụng để thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Điểm này theo đánh giá của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước là “chưa đúng quy định”.

Tương tự, UBND TP Ninh Bình mua 3 xe chuyên dụng (4,1 tỷ đồng) và 200 xe gom rác (860 triệu đồng) bàn giao cho Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Ninh Bình là chưa đúng quy định.

Hoan Nguyễn