Những hiệp định mới này mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam hưởng ưu đãi thuế, gia tăng xuất khẩu vào EU và Anh. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng từ các thị trường này như ô tô, sữa, thực phẩm, hàng hiệu… cũng sẽ tràn vào nước ta.
Từ ngày 1/1/2021, nhiều dòng ô tô xuất xứ từ châu Âu sẽ được giảm thuế nhập khẩu, trong đó có dòng từ mức 70,9% xuống còn 63,8%. Hiện nay đa số các loại xe nhập khẩu từ châu Âu đều nằm trong nhóm các thương hiệu ô tô hạng sang đến siêu sang và siêu xe thể thao.
Có thể điểm danh một loạt thương hiệu ô tô cao cấp đang hiện diện và được ưa chuộng tại Việt Nam như Acura, Audi, BMW, Mercedes, Jaguar, Land Rover, Lexus, Maserati, Volvo; hay các loại siêu xe như Bentley, Mercedes-Maybach, Lamborghini, Rolss-Royce.
Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu được cho là sẽ có tác động đáng kể lên mặt bằng giá bán lẻ của nhiều loại xe hạng sang, xe cao cấp. Nhờ đó, người tiêu dùng có cơ hội mua xe tốt, đẹp với giá thấp hơn.
Ông Nguyễn Tuấn, chủ một đại lý kinh doanh ô tô nhập khẩu tại TP.HCM dẫn chứng: Một chiếc xe hạng sang từ châu Âu có giá khai báo hải quan khoảng 2 tỉ đồng đang chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 70,2%. Nhưng kể từ ngày 1/1/2021, khi thuế suất giảm xuống còn 62,4% (giảm 7,8%), giá bán lẻ của chiếc xe này trên lý thuyết sẽ được giảm khoảng 150 triệu đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế mặt bằng giá bán lẻ ô tô nhập khẩu từ châu Âu, Anh sẽ khó giảm sâu. Lý do nằm ở cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu. “Các dòng xe nhập khẩu từ châu Âu thường có dung tích động cơ lớn 3.0-6.0L hiện đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao 60%-150%. Chính vì vậy, mức giảm thuế nhập khẩu cũng không kéo giá sản phẩm xuống nhiều” - ông Tuấn phân tích.
Nguyễn Tùng