Các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững trong ngành cà phê như Dự án hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực cà phê được Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nestlé Việt Nam đồng chủ trì hay các dự án được các doanh nghiệp chủ động triển khai Nescafe Plan được đánh giá cao.
Chưa phát huy được lợi thế riêng để cạnh tranh
Cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương,địa phương trồng cà phê, nhà khoa học, các doanh nghiệp cà phê trong nước, dự hội thảo còn có đại diện Tổ chức cà phê thế giới, Liên đoàn cà phê Đông Nam Á và đại biểu một số nước sản xuất cà phê.
Theo thông tin tại hội thảo, cả nước hiện có 645.000ha cà phê, sản lượng xuất khẩu năm 2016 là 1,79 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, trong đó cà phê chế biến rang xay và hòa tan chiếm trên 10% tổng giá trị.
Lâm Đồng có tiến độ tái canh cây cà phê nhanh nhất cả nước
Theo các chuyên gia cà phê, mặc dù là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên cà phê Việt Nam chủ yếu được ưa chuộng do giá thành rẻ trong khi chất lượng cà phê Việt Nam được đánh giá không cao, các nông hộ làm cà phê đa phần canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, không có quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học – kỹ thuật vào các khâu chăm sóc. Bên cạnh đó là tình trạng cây cà phê già cỗi, cũng gây ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng, và chất lượng hạt cà phê”.
Đặc biệt, do chưa có chiến lược toàn diện trong thúc đẩy xuất khẩu, nên cà phê Việt Nam chưa phát huy được các lợi thế riêng để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Nguyễn Xuân Cường đến thăm một số vườn cà phê cùa người dân ở huyện Lâm Hà
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đó là những vấn đề lớn mà hội thảo lần này sẽ tập trung bàn thảo, phấn đấu đến năm 2030 đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 6 tỷ USD.
"Quan trọng nhất là chúng ta nhận dạng cho rõ những tồn tại, bất cập ở kể cả 3 khâu trong chuỗi từ sản xuất, chế biến cho đến thương mại, để trên cơ sở đó chúng ta hoạch định, khuyến nghị hướng đi, các giải pháp cho thời gian tới. Với một phương châm chung là không tăng diện tích nhưng phải tăng giá trị, trên cơ sở áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật từ giống, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật quản trị và quan trọng hơn là tập trung chế biến sâu, tập trung liên kết để phát triển thương mại thật chặt chẽ, đưa ngành hàng cà phê của chúng ta tiếp tục phát triển".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá hợp tác công tư là một nhóm giải pháp rất tích cực có tác động đến sự phát triển của ngành cà phê và người nông dân trồng cà phê Việt Nam. Dự án hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực cà phê được Cục trồng trọt, Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn và Nestlé Việt Nam đồng chủ trì hay các dự án được các doanh nghiệp chủ động triển khai Nescafe Plan được đánh giá cao.
Nhiều giải pháp được đánh giá cao
Dự án Hợp tác công tư (PPP) có sự tham gia của các đối tác trong khối tư như Yara, Bayer, Ba con cò và Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) nhằm mục tiêu phát triển canh tác cà phê bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng cho hạt cà phê, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo môi trường canh tác bền vững với tầm nhìn đến năm 2020 là tăng 20% năng suất, tăng 20% thu nhập và giảm 20% khí thải nhà kính.
Dự án PPP còn đóng vai trò kết nối với các dự án khác hoạt động trong ngành hàng cà phê với cùng mục tiêu như Nescafe Plan, ISLA, dự án nước của tổ chức EDE… nhằm tối ưu sự liên kết chuỗi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ trực tiếp người nông dân canh tác bền vững đóng góp cho sự phát triển chung của ngành.
Cán bộ Nescafe Plan đang giới thiệu về về dự án với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Dự án toàn cầu Nescafe Plan được Nestlé triển khai tại Việt Nam từ năm 2011. Trong suốt 7 năm qua, sát cánh cùng với các chuyên gia của Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) và các đối tác địa phương, các chuyên gia nông nghiệp của Nestlé đã góp phần thay đổi phương thức canh tác cà phê truyền thống bằng kỹ thuật tiên tiến của Nescafe Plan, góp phần cải tạo diện tích cà phê già cỗi, cải thiện kinh tế cho các nông hộ, duy trì một môi trường canh tác bền vững để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu.
Về mặt xã hội, dự án đã nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ, thông qua việc đào tạo đội ngũ nữ trưởng nhóm nông dân tham gia dự án. Sau 7 năm triển khai, dự án đã: Dự án đã phân phối trên 20 triệu cây giống năng suất cao, kháng bệnh nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân tái canh trên 20.000 ha diện tích cây cà phê già cỗi; Tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững cho hơn 200.000 nông dân; Giúp 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C; Tăng 30% thu nhập cho người nông dân với kỹ thuật Nescafe Plan; Tiết kiệm 40% lượng nước tưới và giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu với kỹ thuật của Nescafe Plan; Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và EDE đã xây dựng Bộ tài liệu Sản xuất cà phê bền vững (GAP) phân phát cho trên 50.000 hộ nông dân.
Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục được mở rộng hơn nữa nhằm đẩy nhanh hoạt động tái canh cây cà phê cũng như hoạt động đào tạo nông dân. Bên cạnh đó, chương trình nghiên cứu giống kháng tuyến trùng sẽ được đưa vào hoạt động hợp tác giữa Nestlé và WASI trong năm 2018.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tới thăm gian triển lãm thành tựu Nescafe Plan
Ngày Cà phê Việt Nam là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây cũng là dịp giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm sản phẩm, gặp gỡ giao lưu, ký kết hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê “Made in Vietnam”.
Cao Diên – Hải Dương