Nằm trong khu nghỉ dưỡng phức hợp của Sea Links City đặt tại Km 9, Nguyễn Thông, Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận), Lâu đài Rượu vang (Wine Castle) Rạng Đông được biết đến là Lâu đài đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, với tổng diện tích lên đến 12.000m2 chứa đựng nhiều sản phẩm rượu vang nổi tiếng do Tập đoàn Rạng Đông sản xuất. Theo lời giới thiệu của nhân viên thì đây là nơi chứa đựng một kho tàng rượu lớn với hơn 200.000 chai vang được sản xuất, đóng chai, và nhập khẩu trực tiếp từ nhà máy sản xuất rượu vang của Tập đoàn Rạng Đông – đơn vị chủ quản của Lâu đài Rượu vang Rạng Đông (RĐ) tại thung lũng Napa, California, Mỹ.
Tại đây, chủ đầu tư đã bố trí nhiều góc “sống ảo” cho khách tham quan chụp hình lưu niệm như: Cỗ xe ngựa thời trung cổ, những bức tượng đặt ở quảng trường, những hành lang kiểu Âu sang chảnh v.v... Để được vào tham quan trải nghiệm tại Lâu đài, du khách phải bỏ ra mức phí là 130.000đ/người. Tuy nhiên, tại khu mua sắm dành cho khách tham quan trải nghiệm của Lâu đài đang bày bán nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đang bày bán cho du khách
Khu tham quan trải nghiệm mua sắm là điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình tham quan tại Lâu đài Rượu vang Mũi Né. Tại đây, chủ cơ sở này đã bố trí mặt bằng diện tích rộng lớn, bày biện đủ chủng loại hàng hóa như: Rượu vang và các sản phẩm phụ kiện đi kèm, quần áo thời trang, đồ lưu niệm, đồ chơi trẻ em,… thu hút khách du lịch trải nghiệm mua sắm khi kết thúc hành trình tham quan tại cơ sở này. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa được ghi nhận tại đây.
Cụ thể, tại quầy bày bán đồ lưu niệm, nhiều sản phẩm như vòng đá phong thủy, nhiều trang sức nữ trang được bày biện sang trọng bắt mắt. Giá của những sản phẩm này được niêm yết từ vài trăm đến hàng triệu đồng một sản phẩm. Tuy nhiên, nếu nhìn bên ngoài khách hàng không thể biết được những sản phẩm đó được sản xuất từ đâu, bởi bên ngoài không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm.
Tại quầy đồ chơi trẻ em, nhiều sản phẩm như thú nhồi bông, gối ôm,… ngoài những thông tin về giá và tem nhãn gốc của sản phẩm được in chữ nước ngoài, không hề có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm được in bằng tiếng Việt. Đáng chú ý hàng trăm sản phẩm là đồ chơi trẻ em được bày bán la liệt tại đây trên bao bì in chữ Trung Quốc, nhưng không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt thể hiện đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm chính về sản phẩm tại thị trường Việt Nam, cùng với đó là tem nhãn chứng nhận kiểm nghiệm về chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định đối với những sản phẩm đồ chơi trẻ em sản xuất từ nhựa.
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.
Theo QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.
Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc không qua kiểm định thường có nguy cơ được sản xuất từ nhựa tái chế, bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (Phthalic Acid Esters) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Nếu trẻ ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần.
Tiếp tục ghi nhận tại quầy bày bán dép thời trang, nhiều sản phẩm chỉ có tem nhãn gốc, bên trên sản phẩm cũng chỉ thể hiện những sản phẩm này đến từ Thái Lan và không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt thể hiện đơn vị nhập khẩu và phân phối những sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.
Tương tự tại quầy kính mắt thời trang, hàng trăm sản phẩm kính mắt các loại với đủ thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như PRADA, DOLCE,… được bày biện bắt mắt, ngoài những thông tin về giá, trên bao bì của những sản phẩm này cũng không hề có bất kỳ thông tin nào về đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Giá của những sản phẩm này cũng không hề rẻ, được chào bán đến vài triệu đồng/sản phẩm. Khi được hỏi về chất lượng của những sản phẩm trên, nhân viên bán hàng tại đây khẳng định: “Những sản phẩm đó không phải là hàng AU (chính hãng), là sản phẩm F1 (làm nhái), hàng xách tay mang về bày bán”.
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Lâu đài Rượu vang (Wine Castle) là một điểm tham quan nổi tiếng tại thành phố Phan Thiết, nơi đây thu hút lượng lớn khách tham quan mua sắm mỗi ngày, thiết nghĩ những mặt hàng được bày bán tại đây cần phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như đảm bảo tính minh bạch trong kinh doanh.
Những ghi nhận trên xin được gửi tới Cục QLTT tỉnh Bình Thuận, cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ.
Đôi nét về thương hiệu và chủ sở hữu Lâu đài Rượu vang (Wine Catsle)
Lâu đài Rượu vang Wine Catsle được sở hữu bởi Tập đoàn Rạng Đông, đây là Tập đoàn đa ngành lớn nhất tỉnh Bình Thuận mang đậm dấu ấn của doanh nhân Nguyễn Văn Đông (SN 1962). Trên website chính thức của Tập đoàn Rạng Đông (www.rangdonggroup.com.vn) giới thiệu, công ty được thành lập từ đầu năm 1991, tiền thân là tổ hợp xây dựng số 4. Đến năm 2007, đổi tên thành Công ty CP Rạng Đông và một năm sau có tên gọi mới là Tập đoàn Rạng Đông.
Tính đến thời điểm hiện tại, tập đoàn này sở hữu 15 công ty thành viên, hơn 3.000 nhân viên và hơn 300 dự án đã được hoàn thành. Cũng theo giới thiệu, Tập đoàn Rạng Đông hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp các loại cơ sở hạ tầng; các công trình BOT; khai thác khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; đồ gỗ; cơ khí; trồng rừng; trồng rừng cao su; đầu tư các khu dân cư; các khu du lịch phức hợp (resort, khách sạn, sân golf,…).
Dự án nổi bật nhất trong lĩnh vực BOT của Tập đoàn Rạng Đông phải kể tới dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết, quy mô 543 ha, có tổng mức đầu tư 1.640 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư một loạt dự án bất động sản đáng chú ý tại Bình Thuận như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha tại địa chỉ Km 09 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết (hay còn gọi là dự án Sân Golf Sea Link Phan Thiết); Dự án khu dân cư Rạng Đông rộng 8 ha thuộc địa bàn xã Hàm Liên, huyện Hàm Thuận Bắc; Dự án Khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha, tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.
Trong lĩnh vực khai khoáng, Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư dự án Khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 (thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, trữ lượng 101.768 m3); Khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Thời gian gần đây, thương hiệu Tập đoàn Rạng Đông được dư luận nhắc tới bởi nhiều quan chức tỉnh Bình Thuận vừa bị khởi tố, bắt giam do có liên quan đến những sai phạm xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) do Tập đoàn này làm chủ sở hữu.
T.A