Ngày 03/12, tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, Ban quản lý (BQL) ATTP TP. HCM cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) của 15 tỉnh, thành tổ chức hội nghị sơ kết công tác ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TP. HCM và các tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành tập trung chia sẻ việc quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn trước khi đưa về TP. HCM, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đều truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. 

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP. HCM, thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại TP. HCM chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố, còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc qua nhiều đường khác nhau.

bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP.HCM
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Thống kê hết tháng 11/2022, có 586 cơ sở tham gia đề án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 736 giấy chứng nhận. Theo bà Lan, ban khuyến khích để doanh nghiệp, cá nhân tham gia chuỗi thực phẩm an toàn này, sạch từ trang trại đến bàn ăn.

“Chúng tôi đã liên hệ Sở NN&PTNT các tỉnh thành, tập huấn kiến thức cho nông dân. Có VietGAP chưa cần tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, nhưng có tham gia chuỗi nghĩa là đã có thực phẩm VietGAP. Cái thứ hai là khâu thẩm định cấp phép, đi đến thực tế. Cuối cùng khâu quan trọng là đầu ra nhưng hết sức khó khăn”, bà Lan nói.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp, nông dân kinh doanh rau củ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP cho rằng, hiện nay, tình trạng gian lận thương mại của nhiều đơn vị khiến chính người tiêu dùng phải “hứng chịu” hậu quả. Vì vậy, ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra đột xuất, xử phạt thật mạnh, nhằm loại bỏ những doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm.

Từ đó, các sản phẩm của những nông dân làm thật, đảm bảo an toàn được vào chuỗi siêu thị. Các doanh nghiệp, nhà vườn cũng đề xuất cần tăng cường phổ biến thông tin về các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, HACCP… để người dân hiểu vì sao các sản phẩm này có sự chênh lệch về giá.

Tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO... cung cấp cho người dân TP.HCM ngày càng được nâng lên. Cụ thể, sản phẩm thịt đạt sản lượng 321.850 tấn/năm, chiếm tỷ lệ 97,53% nhu cầu tiêu dùng thịt của người dân thành phố; trứng gia cầm đạt hơn 534,6 triệu quả/năm, chiếm 59,33% nhu cầu; rau, củ, quả đạt hơn 272.102 tấn/năm, đáp ứng 15,11% nhu cầu và thủy sản đạt 25.470 tấn/năm, đáp ứng 5,66% nhu cầu.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, mặc dù chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản đã được cải thiện đáng kể nhưng không ổn định. Tỷ trọng thực phẩm nông lâm thủy sản có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng thành phố.

Số vụ vi phạm về ATTP, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc phát hiện đã được các cơ quan truyền thông phản án trong thời gian qua đã gây bức xúc cho người tiêu dùng. Đơn cử như sản phẩm không đạt VietGAP nhưng lại dán nhãn VietGAP hay phát hiện tình trạng mẫu không đạt chỉ tiêu ATTP.

Thiên Trường (T/h)