Nét đặc trưng của hoạt động M&A kể từ đầu năm đến nay đó là các doanh nghiệp có xu hướng chọn “bạn đồng hành” cùng ngành (như BHS-SBT; KDC mua thâu tóm VOC, TAC; PAN - Bibica…). Nét mới này, sẽ tiếp diễn với một số thương vụ dự kiến “chốt” trong thời gian ngắn tới đây.
SHI: họp cổ đông để quyết chọn Toàn Mỹ
Sơn Hà sẽ sáp nhập vào Toàn Mỹ
Ngày 20/10/2017, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (SHI) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, nhằm thông qua phương án sáp nhập và phát hành cổ phiếu hoán đổi cổ phần của đối thủ trực tiếp trong ngành thép không gỉ là Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Toàn Mỹ (Toàn Mỹ). Kế hoạch này đã được SHI ấp ủ từ hơn 2 năm trước, nhưng chờ đến thời điểm mọi thứ chín muồi mới bắt đầu thực hiện.
Theo đó, SHI dự kiến phát hành 18 triệu cổ phiếu trong cuối năm nay hoặc đầu năm 2018, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, với tỷ lệ hoán đổi 2:1 (1 cổ phần Toàn Mỹ sẽ đổi được 2 cổ phần SHI).
Toàn Mỹ sẽ trở thành công ty con của SHI và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo tình hình thực tế. Nếu toàn bộ cổ đông của doanh nghiệp này được hoán đổi, hoặc còn một cổ đông không thực hiện hoán đổi, thì sẽ chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong trường hợp có từ 2 cổ đông trở lên không thực hiện hoán đổi, thì Toàn Mỹ sẽ duy trì hình thức hoạt động là công ty cổ phần.
Để thuyết phục cổ đông, SHI đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong năm đầu tiên hợp nhất là 3.000 tỷ đồng và 150 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ đóng góp của Toàn Mỹ tương ứng là 10% và 20%.
Trần Anh sẽ về với MWG trong tháng 11?
Một thương vụ M&A nội ngành được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là Công ty cổ phần Thế Giới Di động (MWG) sáp nhập Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG).
Lãnh đạo TAG cho biết, việc M&A đã hoàn tất thủ tục bàn giao các hạng mục hàng hóa, sổ sách… cho MWG, với dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11 tới.
Nếu hoạt động M&A hoàn tất trong quý IV, cái tên Trần Anh đã hiện diện trên thị trường 15 năm qua sẽ không còn. Cùng với đó, sau khi hoàn tất M&A, công tác quản lý TAG sẽ thuộc về MWG và cơ cấu tổ chức mới, buộc một số vị trí hiện tại ở TAG khu vực miền Bắc phải chuyển vào miền Nam.
Trao đổi bên lề cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo TAG cho biết, bán TAG cho MWG là một quyết định vô cùng khó khăn, có nhiều trăn trở và gây ra “cú sốc” đối với không ít nhân sự, nhất là với những người gắn bó với TAG nhiều năm qua.
Với cổ đông 2 doanh nghiệp, làm thế nào để duy trì hiệu quả kinh doanh sau M&A là một câu hỏi lớn với người cầm lái. Bên cạnh thách thức này, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo TAG cho biết, việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự cũng là công việc không đơn giản. Tuy nhiên, M&A là câu chuyện không thể khác khi doanh nghiệp muốn lớn nhanh hơn về năng lực kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thương trường.
VRC sẽ mua 65% cổ phần của doanh nghiệp bất động sản
VRC phát hành thêm gần 35,5 triệu cổ phiếu để huy động vốn thâu tóm Công ty ADEC.
Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (VRC) vừa hoàn tất đợt phát hành gần 35,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược, với giá 11.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng số tiền thu về là 390,4 tỷ đồng, VRC sẽ sử dụng 345,94 tỷ đồng để mua lại 65% cổ phần Công ty cổ phần ADEC, một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, có vốn điều lệ 221,76 tỷ đồng.
VRC đang trong quá trình đàm phán, thỏa thuận và ký hợp đồng mua bán với các cá nhân/tổ chức đang nắm giữ cổ phiếu ADEC, mà không phải chào mua công khai. Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn thành trong năm nay.
Bên cạnh những thương vụ M&A trong khối doanh nghiệp, câu chuyện hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam liệu có diễn ra trong quý IV năm nay hay không cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Thương vụ này đã được lên kế hoạch từ năm 2015; năm 2016, Bộ Tài chính có bản Đề án trình Chính phủ, nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy, 2 Sở vẫn đang trong quá trình sắp xếp nhân sự cấp cao, chưa có thời điểm cụ thể cho việc “về chung một nhà”.
Theo tin nhanh chứng khoán