Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 453 USD/tấn – mức cao nhất thế giới. Trong khi đó, giá gạo 25% tấm ở mức 428 USD/tấn. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu tuần qua điều chỉnh tăng 5 USD/tấn với gạo 5% tấm. Trong khi đó, gạo 25% tấm giảm 5 USD/tấn.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, ảnh internet
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, ảnh internet.

Theo đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì giá chào của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là giá khung, còn nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với đối tác, giá tăng hơn giá Hiệp hội đưa ra, đặc biệt gạo 25% tấm thì không giảm. Còn gạo 5% tấm thì tăng từ 15 USD/tấn chứ không phải 5 USD như giá Hiệp hội chào bán.

Chuyên gia xuất nhập khẩu nhận định: Xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ thuận lợi, giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.

Bên cạnh Trung Quốc, Liên minh Châu Âu - EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn của gạo Việt Nam. Sau khi Anh tách khỏi EU, nước ngày đã cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam hàng năm tương đương với hạn ngạch mà EU cấp theo Hiệp định thương mại tự Việt Nam-EU.

Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật... của thị trường nhập khẩu.

Thị trường trong nước ổn định, giao dịch chốt ít, lúa trên đồng lượng còn ít. Giao dịch lúa gạo chậm vào phiên cuối tuần. Trong tuần qua, thị trường lúa gạo khá bình ổn, giá các mặt hàng vững ở mức cao, song các giao dịch chốt không nhiều.

Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.300 – 9.400 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.100 – 10.200 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm,giá chững lại và có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.600 đồng/kg; cám khô ở mức 8.500 – 8.600 đồng/kg.

 Công Huy (t/h)