Vượt qua một năm đầy thử thách của dịch bệnh và sự biến động của thị trường nguyên liệu, kết quả kinh doanh của Nhựa Tiền Phong được ghi nhận cao nhất so với các doanh nghiệp trong ngành với doanh thu thuần đạt 4.877 tỷ, tăng trưởng 11% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 521,4 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm đến 21%. Để đạt được kết quả này, Nhựa Tiền Phong đã phải triển khai các biện pháp như: điều chỉnh chính sách, nâng cao chất lượng nguồn lực, kiểm soát chi phí, giảm lãi suất và lượng tiền vay, nhất là lựa chọn các thời điểm phù hợp để tích trữ nguyên liệu với giá cả hợp lý, đảm bảo được tính liên tục và tối ưu chi phí trong sản xuất.
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong đã đánh giá cao hoạt động của Ban điều hành khi đã nhanh chóng đưa ra các định hướng, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, đồng thời làm tốt các công tác giám sát, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất trong điều kiện đặc thù của năm 2021.
Tại Đại hội, ông Chu Văn Phương - TV. HĐQT, Tổng Giám đốc NTP đã trình bày báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 và các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 tới các quý cổ đông. Năm 2021, Nhựa Tiền Phong tiếp tục triển khai bán các dòng sản phẩm mới ra thị trường như ống PE/PP 2 lớp gân sóng đến DN 1000, ống PE 1 lớp gân xoắn luồn cáp điện, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ ngành nuôi trồng thuỷ sản như vách PE, thùng T50 và với sự hợp tác với các tập đoàn lớn như Iplex, Sekisui, công ty Cp Thuỷ sản Minh Phú, Nhựa Tiền Phong sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, TGĐ Phương cũng đề cập đến những thách thức mà Nhựa Tiền Phong phải đối mặt trong năm tới như gia tăng cạnh tranh trên thị trường do có thêm một số nhà sản xuất đầu tư máy móc thiết bị xây dựng nhà xưởng ở Nghệ An, Bắc Giang; giá nguyên liệu PVC đang ở mức cao, vượt trội hơn 2021 và những diễn biến bất thường của dịch bệnh có thể xảy ra trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, năm 2022, Ban lãnh đạo công ty đã đề ra mục tiêu với doanh thu thuần đạt 5.175 tỷ, sản lượng đạt 102.000 tấn và lợi nhuận đạt 465 tỷ đồng, duy trì mức tăng trường tối đa 6%.
Với các kết quả đạt được trong năm 2021 và mong muốn mang lại quyền lợi cao nhất cho các cổ đông, HĐQT đã trình phương án chia cổ tức bằng tiền năm 2021 với tỷ lệ chi trả duy trì ở mức cao là 25% vốn Điều lệ với tổng kinh phí xấp xỉ 294,5 tỷ đồng. Dự kiến mức cổ tức bằng tiền năm 2022 là 20% vốn điều lệ, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 10% trong năm 2022 lên 1295.76 tỷ đồng.
Đồng thời, Hội đồng Quản trị đã đề xuất và được Đại hội đồng cổ đông thông qua 9 nội dung với tỷ lệ trên 99% như sau:
- Các báo cáo HĐQT năm 2021, Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021;
- Phương án phân phối lợi nhuận năm 2021; Mức cổ tức dự kiến năm 2022;
- Kế hoạch sản xuất kinh doanh; Kế hoạch đầu tư năm 2022;
- Kế hoạch đầu tư thường xuyên năm 2022;
- Dự kiến mức cổ tức bằng tiền năm 2022;
- Mức thù lao cho HĐQT năm 2022;
- Uỷ quyền cho HĐQT lựa chọn 01 trong 04 công ty kiểm toán cho năm tài chính 2022;
- Phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu;
- Mức thưởng cho Hội đồng quản trị năm 2022;
Năm 2022, chủ đề “Lan toả hạnh phúc - Kết nối tương lai” được BLĐ công ty lựa chọn chủ đề năm để tiếp tục khẳng định quyết tâm của Nhựa Tiền Phong trong việc sát cánh với xã hội cộng đồng thông qua tăng cường hợp tác với các tập đoàn lớn; xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch, năng động cho hệ thống cửa hàng bán lẻ; cải tiến các dòng sản phẩm để mở rộng các thị trường mới và tiếp tục đồng hành cùng các chương trình thiện nguyện đặc biệt là những chương trình dành cho thế hệ trẻ để mang lại nhiều lợi ích cho các cổ đông, hướng đến sự phát triển bứt phá trong tương lai.
Quỳnh Nga