Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nhận danh hiệu Thương hiệu Mạnh Việt Nam do Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì tổ chức (Ảnh: PV)
Tăng trưởng trong đại dịch
Do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là việc giá nguyên vật liệu đầu vào giảm tác động làm lợi nhuận sau thuế quý I năm 2020 của doanh nghiệp nhựa Tiền Phong tăng hơn 10 tỷ, tạo ra tỷ lệ tăng trưởng 15,54% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác tài chính năm 2019 hoạt động ổn định đã giúp Công ty quản lý tốt nguồn vốn, nâng cao hiệu quả chi phí huy động vốn, xây dựng và vận hành chiến lược huy động vốn hiệu quả, tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp tài chính, từ đó chủ động linh hoạt trong công tác sử dụng ngoại tệ, nội tệ, tỷ giá để làm giảm tỷ lệ chi phí vốn; có chính sách, đàm phán để có được hưởng lãi suất tối ưu cho các khoản vay.
Dường như những nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả tích cực. Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của Nhựa Tiền Phong trong quý I năm 2020 đều ghi nhận sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý I/2019 đạt hơn 71,62 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 75,64 tỷ đồng. Lý giải cho sự tăng trưởng này, bên cạnh yếu tố giá nguyên liệu đầu vào giảm, doanh thu tăng, việc tiết giảm chi phí vận hành, quản lý đã giúp tăng lợi nhuận của công ty trong nửa đầu năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu của Nhựa Tiền Phong đạt trên 965 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 85 tỷ đồng. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 5100 tỷ đồng và 465 tỷ đồng lợi nhuận là khả thi với công ty góp phần đưa Công ty tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu và luôn là thương hiệu uy tín tại thị trường Việt Nam.
Đồng lòng, quyết tâm phát triển DN lớn mạnh
Năm 2020 sẽ là cột mốc quan trọng, ghi dấu chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Nhựa Tiền Phong. Đây cũng là thời điểm công ty tập trung các giải pháp và nguồn lực để chuyển sang mô hình hoạt động mới. Việc nâng vốn chủ sở hữu đang được Nhựa Tiền Phong thực hiện và hoàn tất trong năm 2019 sẽ là bước đi cần thiết để gia tăng nguồn lực tài chính, phục vụ cho sự phát triển của Công ty trong thời gian tới.
Theo dõi biểu đồ tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2014 - 2018 của Nhựa Tiền Phong có thể thấy, quy mô doanh thu của Công ty vẫn có sự tăng trưởng và đứng đầu trong khối các doanh nghiệp nhựa xây dựng đã niêm yết. Tổng doanh thu thuần năm 2018 của Nhựa Tiền Phong đạt 4.519,6 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2017.
Tuy nhiên, sự chững lại này có thể dễ hiểu với một doanh nghiệp có quá trình hoạt động gần 60 năm và đã chiếm lĩnh được phần lớn thị trường tiêu thụ ở miền Bắc; sở hữu 3 nhà máy hiện đại tại Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An; 9 trung tâm phân phối, gần 400 nhà phân phối và hơn 16.000 cửa hàng trên toàn quốc.
Trong quá trình hoạt động, Nhựa Tiền Phong đã trải qua nhiều dấu mốc quan trọng, đánh dấu những bước tiến mới vượt bậc, cả về định hướng phát triển, “sức khỏe” tài chính, công nghệ, thị phần, quy mô… như những năm 1975, 1989, 2004, 2006, 2015. Còn năm 2018 vừa qua đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy quản trị nội bộ doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, quy chuẩn bằng việc triển khai xây dựng hệ thống quản trị “Thẻ điểm cân bằng BSC và Hệ thống đo lường, đánh giá hiệu quả công việc KPI; áp dụng mô hình quản lý tinh gọn theo Lean Six Sigma”…
Năm 2018 cũng là năm mà Nhựa Tiền Phong tập trung phát triển ngành nghề cốt lõi là sản xuất - kinh doanh ống nhựa, gắn với việc đẩy mạnh việc hợp tác chiến lược với các công ty trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dây chuyền sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng sinh lời.
Được biết, ngoài gia tăng sự hợp tác sẵn có với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Sekisui, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú… Nhựa Tiền Phong đã đầu tư góp vốn với các đối tác chiến lược như CTCP Cấp nước Thủ Dầu Một, CTCP Cấp nước Nam Định, CTCP Cấp nước Hà Giang… để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo nghiên cứu của công ty, nhu cầu sử dụng ống sẽ tăng trong giai đoạn 6 năm tới và ước tính năm 2020 sẽ đạt 285 nghìn tấn. Nghiên cứu này phù hợp với xu hướng chung của thị trường Việt Nam và thế giới. Trước nhu cầu tăng cao của ống nhựa, Nhựa Tiền Phong đã thực hiện chiến lược đổi mới kinh doanh và tiến hành mở rộng quy mô sản xuất cũng như đầu tư vào các dây chuyền công nghệ hiện đại để cung cấp các sản phẩm chuyên dụng như hai dự án lớn: xây dựng dây chuyền ống HDPE 2 vách và ống HDPE đường kính tới 2000 mm. Với dự kiến hoàn thành nhà máy mới và hai dây chuyền đầu tư kể trên, NTP có khả năng đáp ứng được 45% – 50% nhu cầu thị trường cả nước về tất cả các chủng loại ống nhựa. Đặc biệt với các loại ống cỡ lớn sử dụng cho hoạt động cấp nước mà hiện nay chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam có khả năng cung cấp.
Theo đó, Nhựa Tiền Phong hoàn toàn không chỉ giữ vững thị phần của mình trên thị trường mà còn có những tiềm năng để mở rộng quy mô sản xuất cũng như tăng lợi nhuận trong tương lai.
Duyên Nga