Từ đêm 9/10, gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền các tỉnh Đông Bắc bộ cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Theo đó, đây được đánh giá là một đợt không khí lạnh có cường độ tương đối mạnh nên khiến nền nhiệt các tỉnh Bắc bộ giảm khá sâu, đặc biệt là vùng núi cao.
Tại Hà Nội, trong tối và đêm nay có mưa rào và giông. Từ ngày mai, trời trở lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ C, thời tiết chủ đạo là trời có nắng về ban ngày, nhiệt độ ở mức 30-31 độ C, ban đêm trời không mưa.
Thời tiết đột ngột trở lạnh khiến cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm… những người thể trạng yếu, chưa kịp thích nghi thời tiết rất dễ bị nhiễm một số bệnh sau.
Bệnh cảm cúm
Trời trở lạnh khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm
Trời trở lạnh, hệ miễn dịch suy giảm là cơ hội thuận lợi để các loại virus gây bệnh hoạt động mạnh, tấn công cơ thể khiến chúng ta dễ dàng mắc bệnh cảm cúm, cảm lạnh. Đây không phải là bệnh quá nghiêm trọng nếu biết chữa trị kịp thời, tuy nhiên nếu chủ quan bệnh tình sẽ nặng hơn, gây nguy hiểm thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Để phòng tránh chúng ta cần giữ ấm cho cơ thể, mặc quần áo đủ ấm, quấn khăn kín cổ. Trẻ nhỏ và người già nên hạn chế đi ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Và đặc biệt nếu không có việc gì cần thiết thì không nên đi ra ngoài lúc sáng sớm cũng như lúc quá khuya.
Bệnh hen suyễn và viêm mũi
Khi thời tiết giao mùa, cần bảo vệ vùng cổ và mũi cẩn thận
Vùng cổ và mũi là những bộ phận gắn liền với việc hô hấp. Khi thời tiết giao mùa, chúng ta cần chăm sóc chúng chu đáo hơn, bởi khi thời tiết lạnh và hanh khô, virus gây bệnh cho đường hô hấp sẽ phát triển rất mạnh.
Vì vậy, khi ra đường chúng ta nên mang khẩu trang để tránh khói bụi, đồng thời quàng khăn để giữ ấm phần cổ.
Dễ bị hạ thân nhiệt
Hạ thân nhiệt là khi cơ thể còn 35 độ C. Người già, trẻ nhỏ, người bị say (rượu, ma túy…), suy dinh dưỡng, tim mạch, thiểu năng tuyến giáp… có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao. Nguy hiểm của hạ thân nhiệt là nạn nhân không biết, chỉ tới khi mệt mỏi, đầu óc lơ mơ, rùng mình thành đợt, da tái xanh, đồng tử giãn và mất tỉnh táo là đã mất ý thức.
Do đó khi trời lạnh thấy ai đó run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, xám, nhịp thở chậm, mệt mỏi, mất phối hợp động tác nên giúp họ quấn chăn và đốt lửa sưởi cho tới khi cơ thể ấm lại.
Nguy cơ đột quỵ
Thời tiết đột ngột chuyển lạnh dễ gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch, có thể gây đột quỵ
Ngày nay nguy cơ đột quỵ ở giới trẻ ngày càng tăng do ít vận động và dùng bia rượu. Và mùa lạnh cũng là mùa khiến những người mắc bệnh tim mạch sẽ có những biến chứng không tốt, ảnh hưởng tới sức khoẻ như suy tim, đột quỵ, tai biến gấp 15% các mùa khác.
Để phòng tránh chúng ta cần có một chế độ sinh hoạt hợp lý, tâm lý ổn định, tránh căng thẳng, mệt mỏi. Tăng cường luyện tập thể thao. Khi ăn uống nên hạn chế ăn mỡ động vật, không uống rượu, bia, ăn nhiều rau củ quả. Thường xuyên đi khám kiểm tra sức khoẻ.
Bệnh về da
Vào mùa đông, trời lạnh khiến da giảm tiết mồ hôi, và chất bã, không khí hanh khô làm da bị mất nước nhiều hơn. Da tay, chân có biểu hiện bị khô, nứt nẻ, bong vảy. Da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội, làm cho da bị trầy xước, chảy máu thậm chí có thể đóng vẩy sinh mủ.
Để bảo vệ da khỏi những triệu chứng này, nên uống nhiều nước, tránh tắm nước quá nóng, và nên dùng các loại sữa tắm, kem dưỡng có độ ẩm cao. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, nên đeo găng tay khi giặt đồ hoặc rửa bát...
Đau nhức xương khớp
Người cao tuổi, phụ nữ sau tuổi 35 hay bị đau nhức xương khớp khi trời lạnh, mưa rét. Khi mắc chứng bệnh này, toàn bộ các khớp xương đều đau nhức nhất là buổi sáng dễ bị cứng khớp, khó cử động hàng giờ. Do đó mỗi khi trời trở lạnh, có mưa gió, những người bị bệnh đau xương khớp cần chú ý mặc ấm, đi tất ấm, nhất là sau khi ra mồi hôi.
Hạn chế ra ngoài khi trời lạnh có kèm theo mưa phùn vì sẽ làm tình trạng bệnh tăng nặng. Thay quần áo bị ẩm ngay và lau khô người, chân, tay. Phụ nữ nông thôn khi trời lạnh, khớp sưng cấp không nên lội nước, lội bùn. Nếu phải lội cần đi ủng để chân khô ráo.
Mùa lạnh, bạn nên:
Giữ ấm cơ thể, ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi làm việc ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Hạn chế đến những chỗ đông người.
Ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Tiêm vaccine phòng bệnh, giữ vệ sinh môi trường, giữ ấm nhà cửa.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Dọn dẹp nhà cửa sạch và giữ vệ sinh sạch sẽ với các loại vật dụng gia đình (cốc chén, bát đũa…), nhất là khi trong gia đình có người ốm.
Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Hằng Vương