Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta trong thời gian tới. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau.

Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... với thương mại); Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét và đang định hình lại các hình thức, loại hình dự án FDI trên toàn cầu.

Việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của mỗi nước.

Đồng thời, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư xuyên biên giới.

Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới…

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Ở trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 05 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Trên cơ sở đánh giá toàn diện bối cảnh tình hình, Đảng và Chính phủ đã đề ra các định hướng và giải pháp cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu của năm 2024 là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024. Các giải pháp và nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực ngay từ những ngày đầu của năm 2024.

Minh Anh