Trí tuệ và sắc sảo, nhưng ở độ tuổi 65, Churchill dường như không mấy phù hợp để trở thành ứng cử viên cho chức vụ Thủ tướng Anh. Ông không được sự hậu thuẫn từ nội các, ngay cả Đức vua George VI cũng tỏ thái độ hoài nghi về năng lực của ông.
Khi không được sự ủng hộ từ trong nước, Churchill cũng phải đương đầu với những khó khăn ngay từ ngày đầu nhậm chức khi mà nguy cơ quân đội Hitler tấn công Anh ngày một lớn và hơn 300.000 binh lính Anh đang bị mắc kẹt ở bãi biển Dunkirk.
Lúc này Churchill đang đứng trước một sự lựa chọn vô cùng khó khăn: Hoặc là chấp nhận thương lượng một hiệp ước hoà bình với quân Đức quốc xã để cứu lấy người Anh, dù cái giá phải trả là khá đắt, hoặc là đưa ra một kế hoạch đáp trả đầy táo bạo.
Tuy mới được khởi chiếu nhưng Giờ Đen Tối được các nhà chuyên môn đánh giá là tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Mới đây, Giờ Đen Tối đã vinh dự nhận được 6 đề cử Oscar cho các hạng mục: Phim xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất , Quay phim xuất sắc nhất, Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, Thiết kế trang phục xuất sắc nhất và Hóa trang xuất sắc nhất. Thành công của Giờ Đen Tối là bề nổi mà người xem ai cũng dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, đằng sau kiệt tác đó có biết bao nhiêu điều bí ẩn không phải ai cũng biết.
1. 200 giờ hóa trang và 61 gương mặt giả để có được tạo hình Thủ tướng Winston Churchill
Nói tới màn nhập vai xuất thần của nam tài tử Gary Oldman, không thể không nhắc tới màn hóa trang xuất sắc theo đúng hình mẫu bệ vệ của Thủ tướng Winston Churchill. Khi được đạo diễn Joe Wright mời thủ vai Churchill, Gary Oldman đồng ý với điều kiện không phải tăng cân. Bởi lẽ ở tuổi 59, thật khó tăng đến hơn 20 kg để tương đồng với nhân vật.
Trong tình huống ấy, Gary Oldman tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia hóa trang người Nhật Kazuhiro Tsuji, người mà ông biết đến qua bộ phim Planet of the Apes (2001). Kazuhiro Tsuji từng giành hai đề cử Oscar với Click (2006) và Norbit (2007). Tuy nhiên, ông đã ngừng tham gia lĩnh vực điện ảnh từ năm 2012 để hoạt động trong lĩnh vực điêu khắc. Oldman khi ấy đã đến tận xưởng của Kazuhiro Tsuji và thuyết phục anh hãy tái xuất một lần cho dự án này.
Anh từng chia sẻ: "Gary Oldman nói sẽ không nhận vai nếu tôi không tham gia phim. Ngoài ra, đây là một dự án lớn với nhiều thử thách, mà nếu bỏ qua thì sau này tôi có thể hối hận”.
Tạo hình Thủ tướng Winston Churchill trong phim
Tsuji đã tạo ra một khuôn tạo hình ba chiều từ Oldman, sau đó ông thiết kế phần khuôn giả bằng cao su và silicon mà tài tử sẽ đắp lên mặt. Trong khoảng 50 ngày quay, Tsuji đã làm tổng cộng 61 khuôn. Phần khuôn đắp mà Oldman dùng phủ gần kín khuôn mặt, trừ phần trán và môi để tài tử có thể truyền tải các biểu cảm.
Ngoài ra, nam diễn viên còn phải cạo đầu hoàn toàn để gắn một mái tóc giả, được thay sau mỗi 10 buổi quay. Ê-kíp đã kỳ công thiết kế giống mái tóc thật của Churchill đến từng chi tiết, kể cả một mảng tóc thưa và một chỗ hói trên trán. Bên cạnh đó, tài tử phải mặc thêm một bộ áo tổng hợp từ silicon mút và vải thun để đạt kích cỡ nhân vật, đủ để tạo ấn tượng thị giác, nhưng không quá nặng đến mức cản trở tài tử thể hiện thanh thoát dáng điệu và ngôn ngữ hình thể của Churchill.
Phần hóa trang đỉnh cao của Kazuhiro Tsuji đã góp phần làm nên thành công của Gary Oldman trong Giờ Đen Tối
2. Biểu tượng chữ V với ý nghĩa Chiến thắng (Victory)
Nhờ màn nhập vai xuất thần, Gary Oldman đã làm hiện lên quá đỗi xuất sắc hình ảnh Thủ tướng Winston Churchill. Khi ở nhà, Churchill là một quý ông nghiện rượu, thích hút xì gà, một người hài hước, “nể vợ”… Nhưng khi đảm nhận công việc chính trị với những trọng trách cao cả, ông lại vô cùng quyết đoán, vô cùng trách nhiệm, quên đi bản thân để đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Bởi bản thân vốn là một người hài hước và tinh nhạy nên mặc dù ở tuổi 65, người xem vẫn thấy ở ông sự trẻ trung và gần gũi.
Nhờ tài năng của Gary Oldman, hình ảnh Winston Churchill hiện lên một cách đầy đủ với các góc nhìn chân thực nhất
Trong phim, biểu tượng chữ V – Victory của Winston Churchill là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Trong những ngày làm việc đầu tiên, khi được phóng viên hỏi rằng: “Có đúng là chúng ta rút lui toàn bộ?”, Churchill đã làm biểu tượng chữ V ngược, điều này gây khó hiểu cho tất cả phóng viên bởi ở phương Tây bởi cử chỉ này có ý nghĩa thô tục và chỉ dành cho những tầng lớp thấp.
Hành động của Churchill ngay lập tức tràn ngập các mặt báo, dấy lên những luồng tranh cãi dữ dội từ dư luận
Thực chất, khi giơ ngón tay chữ V, ông muốn đưa ra thông điệp với ý nghĩa tin tưởng vào chiến thắng. Và rồi nhờ có sự chia sẻ chân thành từ cô Thư ký Elizabeth Layton, Ngài Churchill mới biết được cần phải sửa lại hành động này. Kể từ đây, hình ảnh của Thủ tướng Winston Churchill đã gắn liền với biểu tượng chữ V – Victory và đi vào lịch sử với chiến thắng đầy thuyết phục cho nước nhà.
Từ một vị thế “đơn phương độc mã”, Churchill đã xoay chuyển tình thế, nhận được sự ủng hộ của toàn bộ Nội các nước Anh, người dân Anh và đông đảo bạn bè trên toàn thế giới.
3. Kịch bản của Giờ Đen Tối được khơi nguồn từ 3 bài diễn thuyết của Winston Churchill
Winston Churchill đi vào lịch sử với những bài diễn văn nổi tiếng với cách diễn đạt chân thành đi vào lòng người. “Lời nói có thể, và đã từng làm thay đổi thế giới. Đó chính xác là những gì xảy ra với Winston Churchill vào năm 1940.” Tác giả kịch bản kiêm nhà sản xuất từng giành giải thưởng BAFTA Anthony McCarten chia sẻ về động lực thôi thúc khiến ông bắt tay vào làm phim.
Vốn luôn hứng thú với việc tìm hiểu về cuộc đời của Churchill, McCarten đã tìm được rất nhiều nguồn cảm hứng từ chính những bài phát biểu và diễn văn của chính trị gia huyền thoại này, đặc biệt là những bài diễn văn của ông trong giai đoạn từ tháng 05 cho tới tháng 06.1940, thời điểm Chiến tranh Thế giới II bắt đầu nổ ra.
Tuy phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía, nhưng chỉ trong vòng vài ngày sau khi nhậm chức, ông ấy đã thống nhất được các Đảng và giành được sự ủng hộ tuyệt đối của người dân Anh trong cuộc chiến chống lại Đức quốc xã
Bài phát biểu đầu tiên với vai trò Thủ tướng Chính phủ với Hạ nghị viện, khi gặp Nội các ngày 13 tháng 05 ông đã nói với họ rằng: “Trước mắt chúng ta là thử thách gian nan nhất. Trước mắt chúng ta là rất, rất nhiều tháng đấu tranh và gian khổ. Quý vị sẽ hỏi - Chính sách của chúng ta là gì?. Tôi sẽ nói đó là tuyên chiến trên biển, đất liền và trên không, với tất cả sức lực của chúng ta và với tất cả sức mạnh mà Chúa ban cho chúng ta.
Chiến đấu chống lại một chế độ độc tài tàn ác, vượt hơn tất cả trong lịch sử tội ác đen tối và thảm thương của loài người. Đó là chính sách của chúng ta. Quý vị sẽ hỏi - Mục tiêu của chúng ta là gì? Tôi có thể trả lời với một từ. Thắng lợi! Thắng lợi bằng mọi giá. Thắng lợi, bất chấp sự khủng bố.Thắng lợi, dù con đường này có dài và vất vả đến đâu. Vì không có thắng lợi, không thể có sinh tồn!”.
Bước vào giai đoạn chiến đấu ác liệt nhất, Thủ tướng Churchill đã có bài diễn thuyết trên radio dành cho dân chúng: “Cùng với nhau người Anh và người Pháp đã thúc đẩy việc giải cứu không chỉ châu Âu mà cả loài người khỏi thể chế chuyên quyền xấu xa nhất và tàn bạo nhất đã bôi đen và làm ố màu nhiều trang sử.
Nhưng giờ, một sợi dây nối chúng ta lại để tiếp tục cuộc chiến cho đến khi giành được thắng lợi và không bao giờ đầu hàng trước cảnh nô dịch và ô nhục. Dù phải đánh mất gì và chịu đau đớn ra sao chúng ta phải chiến thắng”.
Để có những bài diễn văn lay động lòng người, Churchill đã chăm chút cẩn thận cho từng từ ngữ, từng lời nói của mình
Xúc động nhất trong Giờ Đen Tối có lẽ là bài diễn thuyết được đưa ra sau khi quân đội Anh đã lật ngược tình thế một cách đáng kinh ngạc.
Bài phát biểu không chỉ truyền cảm hứng cho những người dân Anh mà còn gây ấn tượng với người Mỹ bởi quyết tâm đối mặt với sự xâm lăng của nước Đức của Chính phủ Anh. Những câu nói khi ấy của Churchill giờ đây đã đi vào lịch sử: “Đế quốc Anh và Cộng hòa Pháp kết nối với nhau bởi mục tiêu và bởi nhu cầu sẽ bảo vệ đến cùng từng tấc đất quê hương.
Cho dù những vùng rộng lớn của châu Âu và nhiều nhà nước nổi tiếng và lâu đời đã sụp đổ hoặc có thể rơi vào trong tay của lũ Gestap mọi thứ công cụ ghê tởm của bọn Đức quốc xã thì ta cũng không chùn chân hay lùi bước. Chúng ta sẽ đi đến cùng. Chúng ta sẽ chiến đấu ở Pháp, chúng ta sẽ chiến đấu ngoài khơi xa.
Chúng ta sẽ chiến đấu với lòng tự tin dâng cao và sức mạnh dâng trào trong không gian. Chúng ta sẽ bảo vệ đảo quốc quê hương với bất cứ giá nào. Chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi biển và chiến đấu cả trên đất liền. Chúng ta sẽ chiến đấu trên đồng và trên đường phố. Chúng ta sẽ chiến đấu qua núi đồi.
Chúng ta không bao giờ đầu hàng. Và nếu mà tôi chẳng phút giây nào tin đảo quốc này hoặc một vùng nào đó bị khuất phục và đói khát thì đế chế vượt biển khơi của chúng ta được vũ trang và bảo vệ bởi hạm đội Anh sẽ tiếp tục chiến đấu”.
Giờ Đen Tối hiện đang được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Quang Nam