LTS: Thời gian vừa qua, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã và đang cố gắng triển khai đưa các sản phẩm du lịch tại các địa phương trên toàn tỉnh vào khai thác một cách đồng bộ, kỳ vọng sẽ tạo ra sự phong phú, đa dạng sản phẩm, hấp dẫn khách du lịch. Trong khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang loay hoay tìm kiếm các giải pháp để các mô hình kinh doanh hoạt động của mình có đầy đủ tính pháp lý khi đi vào hoạt động thì đâu đó, vẫn có các đơn vị bất chấp quy định của pháp luật, “tiền trảm hậu tấu”, dẫn đến môi trường cạnh tranh không công bằng.
Tôn chỉ của Thương hiệu và Công luận là đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại theo chỉ đạo của Chính phủ; bảo vệ thương hiệu, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính. Qua loạt bài này, Thương hiệu và Công luận mong muốn đóng góp những ý kiến của bạn đọc cũng như doanh nghiệp, chỉ ra những hạn chế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh Quảng Ninh, đưa hình ảnh du lịch thân thiện tới du khách trong và ngoài nước…
Kỳ vọng của ngành du lịch Quảng Ninh
Quảng Ninh có rất nhiều cảnh quan nổi tiếng thu hút khách du lịch như: vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; nhiều bãi biển đẹp: Trà Cổ, Cô Tô, bãi Dài (huyện Vân Đồn); đảo Tuần Châu; núi Bài Thơ... cùng các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, quý I/2023, Quảng Ninh đón 4,85 triệu lượt khách, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ngành du lịch, dịch vụ tiếp tục phục hồi, là động lực tăng trưởng chính, chiếm tỷ trọng trên 30% trong GRDP của tỉnh Quảng Ninh.
Trong 2 năm trở lại đây, những mô hình du lịch sinh thái kết hợp câu cá, lưu trú lều trại trong rừng,… nở rộ, những mô hình trên không chỉ là một điểm mới của du lịch Quảng Ninh mà nó con níu giữ du khách có thời gian khám phá thêm mảnh đất xinh đẹp này. Đó là những lợi ích mà du lịch sinh thái mang lại, thế nhưng bên cạnh đó, những mô hình du lịch sinh thái hoạt động chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép vô tình khiến điều này trở thành “hạt sạn” khiến thương hiệu du lịch Quảng Ninh “mất điểm” trong mắt du khách.
Bất chấp sai phạm, Forest Park Hạ Long vẫn hoạt động khi chưa được cấp phép?
Theo hồ sơ, ngày 15/09/2005, Công ty TNHH Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên – PV) có đơn xin nhận khoán rừng và đất rừng với diện tích 22,7ha nằm 7 lô ở khoảnh 43 thuộc tiểu khu 100 do Ban quản lý rừng đặc dụng Cảnh quan môi trường Hạ Long quản lý.
Ngày 25/12/2005, tại hợp đồng số 04/HĐGK, Ban quản lý rừng đặc dụng Cảnh quan môi trường Hạ Long đã giao cho Công ty Tài Nguyên 22,39ha tổng diện tích rừng và đất rừng . Ngày 1/11/2006, Ban quản lý rừng đặc dụng Cảnh quan môi trường Hạ Long tiếp tục bàn giao 18,7ha vốn rừng cho Công ty Tài Nguyên để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp.
Tại Điều 4, Hợp đồng giao khoán rừng, đất rừng vào mục đích lâm nghiệp giữa Ban quản lý rừng đặc dụng Cảnh quan môi trường Hạ Long và Công ty Tài Nguyên quy định rõ quyền và nghĩa vụ của bên nhận khoán: “Được tiến hành các hoạt động dịch vụ nghiên cứu khoa học văn hoá, xã hội và dịch vụ sinh thái theo quy định cua pháp luật; Được xây dựng công trình để phục vụ du lịch theo đúng trình tự và theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; Sử dụng đất rừng vào mục đích du lịch sinh thái, môi sinh, môi trường đúng quy hoạch theo dự án đã được phê duyệt; Xây dựng phương án bảo vệ rừng, sử dụng rừng trên đất giao khoán để kinh doanh du lịch sinh thái; Có Kế hoạch cụ thể từng năm được bên giao khoán phê duyệt; Hằng năm có báo cáo bằng văn bản cho bên giao khoán kết quả, diễn biến rừng, sử dụng rừng và đất rừng được giao nhận khoán.
Để ghi nhận được các công trình trái phép trên đất lâm nghiệp, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã có cuộc mục sở thị nơi đây. Cụ thể, con đường ngõ 68 Suối Mơ, phường Bãi Cháy di chuyển vào Forest Park Hạ Long dài khoảng hơn 1 km, hệ thống đường gập ghềnh, khó đi, có đoạn rêu phong phủ kín trơn trượt khá nguy hiển. Theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận, hiện tại, trong diện tích đất rừng Ban quản lý rừng đặc dụng Cảnh quan môi trường Hạ Long giao cho Công ty Tài Nguyên đang có tình trạng các công trình nhà tạm và các khu sàn gỗ khung thép để kinh doanh lưu trú ngủ lều trại trong rừng. Mặc dù vẫn còn các công trình đang triển khai, thế nhưng Forest Park Hạ Long đã mở cửa đón khách.
Trong vai một du khách có nhu cầu thuê lều trại và ngủ qua đêm được biết: Giá vé vào cửa ở Forest Park Hạ Long là 100.000 VNĐ/người lớn; trẻ em dưới 10 tuổi là 50.000đ. Ngoài ra chi phí thuê 1 lều trong ngày là 450.000 VNĐ/lều
“Đối với lưu trú lều trại qua đêm là 350.000 VNĐ/người lớn; trẻ em 150.000VNĐ/trẻ em đã bao gồm giá vào cửa.” Quản lý của Forest Park Hạ Long tư vấn.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, tại đây còn tổ chức đồ nướng ngoài trời phục vụ du khách với giá 300.000VNĐ/suất.
Theo nguồn tin riêng của Thương hiệu và Công luận, toàn bộ hoạt động xây dựng, kinh doanh trên của Forest Park Hạ Long đều chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép, phê duyệt.
“Nơi đây khá đẹp nhưng mình cảm thấy không an toàn bởi giữa rừng nhưng không thấy hệ thống phòng cháy chữa cháy. Mọi cơ sở vật chất đều tạm bợ, đơn sơ.” Anh Nguyễn Thanh Tùng – Du khách đến từ Hà Nội cho biết.
Đại diện Luật Minh Khuê cho biết, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đại năm 2023.
“Việc Công ty Tài Nguyên xây dựng các công trình trên đất rừng được giao khoán, bảo vệ khi là vi phạm luật đất đai. Cụ thể là đơn vị này đã tự ý chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp”. Đại diện luật Minh Khuê nhấn mạnh
Khoản 2 điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định rõ:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;
g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên.
Ngoài ra, căn cứ theo hoạt đồng giao khoán thì Công ty Tài Nguyên cũng vi phạm nghiêm trọng Điều 4, Hợp đồng số 04/HĐGK, Ban quản lý rừng đặc dụng Cảnh quan môi trường Hạ Long và Công ty Tài Nguyên về quyền và nghĩa vụ của bên nhận giao khoán.
Liên quan đến tình trạng trên, để có thông tin đã chiều, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã nhiều lần liên hệ với UBND phường Bãi Cháy tuy nhiên tất cả đều “bặt vô âm tín”?
Trong khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn luôn cầu thị, tiếp thu những ý kiến của người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan báo chí thì chính quyền phường lại rất thờ ơ, không hợp tác thông tin để báo chí có nguồn tin chính thống.
Thiết nghĩ, trước những sai phạm của doanh nghiệp toàn dân đều có quyền được giám sát, lên tiếng. Thế nhưng, không hiểu lý do gì mà chính quyền phường Bãi Cháy luôn thờ ơ trước thông tin của cơ quan báo chí? Liệu đây có phải là những "hạt sạn" khó gỡ trong quá trình phát triển thương hiệu của ngành du lịch ở Quảng Ninh nói riêng cũng như những ngành nghề khác nói chung?
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục gửi đến độc giả các mô hình kinh doanh tự phát, trái phép tại mảnh đất du lịch này trong các bài viết tiếp theo.
Trần Trang