Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ và mỗi nguyên nhân gây mất ngủ lại có một cách chữa riêng. Với những người mất ngủ ngắn (dưới 1 tuần) thì chữa trị sẽ không quá khó khăn. Còn với những người có tình trạng mất ngủ kéo dài trên 2 tuần việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Nguyên nhân mất ngủ kéo dài có rất nhiều, nhưng hai nguyên nhân phổ biến nhất là trầm cảm và lo âu lan tỏa. Hai rối loạn này có thể đi cùng với nhau hoặc xuất hiện riêng biệt. Cả hai rối loạn này đều gây mất ngủ kéo dài, nhưng chúng vẫn có những điểm khác biệt rất rõ ràng. Ví dụ nếu khó vào giấc ngủ (nằm mãi mới ngủ được), khó giữ giấc ngủ (hay thức giấc) hoặc dậy sớm (tầm 2-3 giờ sáng đã dậy và không ngủ lại được), sáng ngủ dậy rất mệt mỏi, chán ăn, sút cân, chán nản, buồn vô cớ, hay cáu, muốn chết quách cho xong, có những cơn bốc hỏa... thì đó là các triệu chứng của trầm cảm. Còn nếu chị chỉ khó vào giấc ngủ (nhưng khi đã ngủ rồi thì không bị thức giấc và không bị thức dậy sớm), lo lắng quá mức, run tay, ra mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân, khó thư giãn, luôn căng cơ, đánh trống ngực, có cảm giác hòn ở cổ, đầy bụng... thì đó là các triệu chứng của lo âu lan tỏa.

Ngay cả với hai bệnh trên, người ta phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm kết hợp với thuốc an thần liều thấp. Nếu có sử dụng bromazepam thì họ chỉ coi đây là thuốc hỗ trợ điều trị trong thời gian đầu dùng thuốc, nghĩa là dùng kèm bromazepam với hai loại thuốc trên (thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần), trong một thời gian ngắn và với liều rất thấp để tránh gây quen thuốc.

Như vậy, nếu chỉ dùng một mình bromazepam để điều trị mất ngủ kéo dài là sai.

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần, BV Quân y 103)