Ảnh minh họa
Bổ sung chính sách chất độc da cam cho thế hệ thứ 3
Dự thảo Pháp lệnh đang đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi đối với đối tượng thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên tiếp tục thực hiện theo chế độ bảo trợ xã hội, chưa cần bổ sung chính sách mới.
Theo cơ quan chuyên môn về khám chữa bệnh thì hiện nay chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn đầy đủ để xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Thực tế khám chữa bệnh thì nguyên nhân gây ra dị dạng, dị tật không phải chỉ do chất độc hóa học mà còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với thế hệ thứ 3.
Sửa đổi về điều kiện công nhận liệt sỹ
Quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có hai luồng ý kiến về việc công nhận liệt sỹ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát: Thương binh từ 81% trở lên chết vì vết thương tái phát và thương binh từ 61% chết vì vết thương tái phát.
Hiện nay, số thương binh có tỷ lệ thương tật dưới 81% khi chết được xác nhận là liệt sỹ đang không nhận được sự đồng tình của thương binh nặng và địa phương. Do đó, dự thảo đang có hai phương án: Xác nhận liệt sỹ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên hoặc quy định như hiện hành (tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên).
Cả hai phương án đều quy định điều kiện bắt buộc phải có bênh án điều trị thường xuyên vết thương tái phát và xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên.
Rút trợ cấp hàng tháng
Pháp lệnh hiện hành đang quy định người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng theo các mức từ 21-40%, từ 41-60%, từ 61-80% và từ 81% trở lên.
Trong quá trình soạn thảo, rất nhiều địa phương đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ nhóm có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21-40% và chuyển sang thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng. Nguyên nhân là qua thanh tra, kiểm tra cho thấy việc lạm dụng chính sách, khó kiểm soát thời gian vừa qua chủ yếu ở nhóm đối tượng này, gây nên bức xúc trong dư luận.
Thêm đối tượng chưa được tặng huân huy chương
Dự thảo đang đề xuất bổ sung đối tượng người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian được tặng huân chương, huy chương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không bổ sung đối tượng này vào Pháp lệnh vì những người hoạt động kháng chiến chưa đủ thời gian tặng huân chương, huy chương mà được tặng Bằng khen đã được hưởng các chế độ ưu đãi trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng.
Đặc biệt, việc bổ sung vào Pháp lệnh dẫn đến có thể phải xem xét một số đối tượng tương tự như Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế… Do đó, việc bổ sung đối tượng đang lấy thêm ý kiến.
Pháp lệnh hiện hành chỉ quy định xem xét xác nhận đối với người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; chưa có quy định đối với người dân giúp đỡ cách mạng bị địch bắt tù, đày; người bị địch bắt tù, đày do tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975 (chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc).
Hiện nay, phần đông ý kiến rất đồng cảm với các đề nghị mở rộng đối tượng trên vào Pháp lệnh nhưng còn băn khoăn vì tính khả thi.
Hằng Vương