Tại nhiều khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xuất hiện các biển, các tờ quảng cáo với những nội dung hấp dẫn như: “Nhấc máy có tiền”, “Cần tiền hãy gọi chúng tôi”; thủ tục nhanh gọn; uy tín – bảo mật…

Với loại hình này, người dân vay tiền dưới hình thức tín dụng không phải thế chấp tài sản; chỉ cần ghi thông tin của người vay hoặc chỉ cần một số giấy tờ, lãi suất vay có khi chỉ được thỏa thuận bằng miệng chứ không thể hiện trên bất cứ thứ giấy tờ nào và người vay không phải chờ đợi lâu, do vậy mà đã có nhiều trường hợp người dân tìm đến các địa chỉ này để vay tiền.

Như vậy, dù biết rằng khi tìm đến các cơ sở kinh doanh hỗ trợ tài chính này, khách hàng đều phải trả lãi cao gấp nhiều lần khi vay ở ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác, nhưng do nhu cầu vay vốn “nóng”, thủ tục cho vay đơn giản, không ràng buộc gì lại không cần có tài sản thế chấp, đồng thời, do bản thân không đủ điều kiện vay vốn theo quy định của ngân hàng hoặc các công ty tài chính nên nhiều khách hàng vẫn “nhắm mắt” vay tiền từ các cơ sở này.

Ninh Bình: Cảnh báo “chiêu trò” trong hoạt động hỗ trợ tài chính - Hình 1

Nhiều đối tượng dùng "vỏ bọc" hỗ trợ dịch vụ tài chính để nhằm cho vay "nóng" với mức lãi "cắt cổ" 

Hậu quả, nhiều trường hợp do không trả được tiền lãi và tiền vay đúng hạn, lãi mẹ đẻ lãi con, các đối tượng cho vay đã đến tận nhà để đòi nợ, đe dọa và hành hung gia đình gây mất an ninh trật tự. 

Trong khi đó, các đối tượng lại có thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, tìm mọi cách lách luật để tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng, vì vậy rất khó cho công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố đã tập trung tăng cường các biện pháp để nắm tình hình, rà soát, kiểm tra hoạt động của loại hình kinh doanh này trên địa bàn. 

Phối hợp với các lực lượng chức năng để thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty, đơn vị, cá nhân có hình thức hoạt động cho vay hỗ trợ tài chính để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật và chấn chỉnh, đưa hoạt động của loại hình kinh doanh này đi vào nề nếp.

Ngày 13/9 vừa qua, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra hành chính phát hiện Công ty TNHH vận tải Mạnh Hương kinh doanh dịch vụ hỗ trợ tài chính có trụ sở tại số 201, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Nam Thành (TP. Ninh Bình) có hoạt động cho vay tín chấp, hồ sơ vay tiền chỉ cần sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân của người vay, với lãi suất là 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, thời gian cho vay là 40 ngày. 

Với thủ tục nhanh gọn, đơn giản, nhiều người cần tiền đã đến vay tiền tại Công ty TNHH vận tải Mạnh Hương và nhận hậu quả khôn lường khi lãi mẹ đẻ lãi con đến lúc không có khả năng trả nợ đã phải bỏ trốn.

Tại xã Yên Từ, Công an huyện Yên Mô phát hiện Đào Văn Ngọc (sinh năm 1994 và Ngô Văn Tuấn, sinh năm 1999 đều trú ở thôn Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) treo các biển quảng cáo với nội dung "Công ty TNHH Nhất Tín Yên Mô hỗ trợ tài chính, chỉ cần giấy tờ xe, cho vay 80% giá trị xe, kèm theo số điện thoại và địa chỉ vay tiền tại thị trấn Yên Thịnh". Qua kiểm tra, Công ty TNHH Nhất Tín có trụ sở tại thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô do Đào Văn Ngọc làm Giám đốc không có chức năng kinh doanh cho vay tài chính.

Để tránh cho các đối tượng lợi dụng loại hình kinh doanh hỗ trợ tài chính để cho vay tiền và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, người dân khi có nhu cầu vay vốn cần phải tỉnh táo chọn lựa những tổ chức tín dụng có uy tín, có trụ sở rõ ràng, không nên quá tin vào những lời quảng cáo của các đối tượng cho vay dưới hình thức tín dụng không phải thế chấp tài sản trên, có như vậy mới đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho bản thân và gia đình, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Có như vậy, việc lợi dụng hoạt động hỗ trợ tài chính để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng mới không có đất sống.

Thuấn Nguyễn