Nằm ở các vị trí trung tâm Sài Gòn, nhiều cơ sở làm đẹp của phòng khám da liễu Nitipon Việt Nam (Nitipon Việt Nam) quảng cáo trên bảng hiệu sai với quy định cho phép, khiến dư luận băn khoăn, nghi ngại việc lạm dụng trong quảng cáo để “câu” khách.
Nitipon Việt Nam quảng cáo trên bảng hiệu sai quy định cho phép
Tại buổi làm việc với PV, để khẳng định cơ sở này là Viện chăm sóc da hay là Thẩm mỹ viện, ông Lê Anh Đức – Phụ trách pháp chế Nitipon Việt Nam tại TP.HCM cho biết: Nitipon Việt Nam được cấp phép là Phòng khám da liễu, do bác sĩ Biện Thị Cẩm Loan phụ trách chuyên môn kỹ thuật chính. Còn đối với thông tin trên bảng biển là “Viện chăm sóc da hàng đầu châu ”, “Phòng khám chăm sóc da số 1 Thái Lan” chỉ là quảng cáo thương hiệu.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa PTTM tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) từng cho rằng, cơ sở làm đẹp chỉ được cấp phép hoạt động “Phòng khám chuyên khoa…” nhưng lại quảng cáo trên bảng biển “Viện thẩm mỹ”, “Viện chăm sóc da”…là sai nguyên tắc cơ bản, “chiêu trò” lôi kéo người dân.
“Theo quy định, bảng biển của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, da liễu hay các cơ sở làm đẹp, chăm sóc sức khỏe phải có những thông tin chuẩn xác theo giấy phép hoạt động được cơ quan chức năng cấp như: “Phòng khám chuyên khoa gì? tên bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn chính? thời gian hoạt động trong ngày? địa chỉ cơ sở? Đặc biệt, khi bác sĩ phụ trách chuyên môn chưa đến giờ khám, chữa bệnh thì Phòng khám không được phép mở cửa hoạt động” – ông Hùng nhấn mạnh.
Quảng cáo là Viện điều trị da hàng đầu Châu Á, Nitipon Việt Nam có đang "lừa" khách hàng?
Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành thẩm mỹ cũng cho hay, căn cứ Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính Phủ hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, quy định cơ sở chuyên khoa thẩm mỹ chỉ có các hình thức tổ chức và được cấp phép với các tên gọi như: Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ, phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám da liễu, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, hoàn toàn không có khái niệm “Viện thẩm mỹ”, “Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ”, hay “Viện chăm sóc da”…
Song song đó, luật sư Trần Công Phượng, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh, tại khoản 11 Điều 8 - Luật Quảng cáo 2012, quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đây là hành vi bị cấm.
Riêng tại Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền lớn. Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Ngoài ra, việc sản phẩm không có tài liệu hợp pháp chứng minh về chất lượng “số một”, “hàng đầu”… mà tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình quảng cáo gian dối để lừa gạt khách hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.
Chỉ là phòng khám da liễu nhưng Nitipon Việt Nam quảng cáo trên website là "Viện điều trị da hàng đầu Châu Á"
Liên quan đến việc Nitipon Việt Nam quảng cáo, tư vấn thực hiện dịch vụ thẩm mỹ và sản phẩm không được cơ quan chức năng cấp phép, vượt phạm vi cho phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai biến đến tính mạng và sức khỏe khách hàng.
Theo đó, Viện chăm sóc da Nitipon Việt Nam quảng cáo trên website về công nghệ giảm béo được cho là “Thon gọn không phẫu thuật”. Bác sĩ và nhân viên tư vấn của cơ sở này quảng cáo và thực hiện công khai dịch vụ làm đẹp cho khách hàng bằng sản phẩm được cho là “thuốc tiêm hủy mỡ” giúp chị em giảm béo, thon gọn không cần phẫu thuật với giá một mũi tiêm tan mỡ 5 triệu đồng, liệu trình giảm mỡ bụng có tổng chi phí là hơn 100 triệu đồng.
Cũng tại buổi làm việc, bà Phan Thị Thanh Hiền - Quản lý Nitipon tại Việt Nam đưa ra danh mục kỹ thuật cho thấy, Nitipon Việt Nam không được cấp phép thực hiện dịch vụ giảm béo bằng tiêm thuốc kết hợp đánh sóng siêu âm cao tần. Bà Hiền còn cho hay hiện có đến 9 chi nhánh tại TP.HCM, các chi nhánh của Nitipon Việt Nam cũng đều có danh mục kỹ thuật tương tự.
Dịch vụ giảm béo bằng tiêm thuốc hủy mỡ kết hợp đánh sóng siêu âm cao tần không được cấp phép tại Nitipon Việt Nam
Thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành thanh kiểm tra và xử phạt nhiều cơ sở thẩm mỹ làm đẹp, phòng khám chuyên khoa núp bóng dưới danh nghĩa là Viện chăm sóc da, Thẩm mỹ viện quốc tế, Viện thẩm mỹ quốc tế, Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, Viện phẫu thuật thẩm mỹ… đang hoạt động công khai dưới nhiều hình thức, quảng cáo ngoài phạm vi cho phép trên bảng hiệu, website, mạng xã hội... Cùng với đó là việc thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn được cho là hiện đại, tân tiến nhất từ nước ngoài. Tuy nhiên, những hoạt động trên chưa được cấp phép từ cơ quan quản lý tại Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai biến đến tính mạng và sức khỏe khách hàng.
Rõ ràng, việc bác sĩ và nhân viên tư vấn tại nhiều chi nhánh của Nitipon Việt Nam đã lạm dụng việc quảng cáo, tư vấn vượt phạm vi cho phép về công nghệ giảm béo quảng cáo, tư vấn thực hiện cho khách giảm béo bằng cách “tiêm thuốc hủy mỡ” khi chưa được cấp phép là coi thường sức khỏe, an toàn tính mạng con người.
Cùng với đó, dư luận cũng bức xúc cho rằng, việc quảng cáo là “Viện chăm sóc da hàng đầu châu Á”, “Phòng khám chăm sóc da số 1 Thái Lan”, Nitipon Việt Nam không đúng quy định. Bà Biện Thị Cẩm Loan - bác sĩ phụ trách chuyên môn chính của phòng khám da liễu Nitipon Việt Nam có trách nhiệm như thế nào trước sai phạm trên?
Hương Nguyên – Nguyễn Kiên