Tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng và tác động rất lớn đến nền kinh tế, đặc biệt giai đoạn phục hồi sau tác động tiêu cực của đại dịch và triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã thông qua.
Do đó, ông đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Ngân hàng nhà nước phân tích làm rõ thêm một số vấn đề như kết quả thực hiện đối với từng mảng nội dung, từng chính sách quan trọng được đề ra trong Nghị quyết 42. Nếu với phương án đề xuất kéo dài thêm 02 năm, thời gian thực hiện Nghị quyết 42 mà các vướng mắc đó vẫn chỉ nhận diện và chưa có giải pháp thì nó cũng ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nợ xấu và những vấn đề tồn đọng cũng vẫn chỉ để đó mà chưa được giải quyết một cách hiệu quả thì cũng ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết 42.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề, nợ xấu phát sinh sau ngày 15/08/2017 mà xử lý theo pháp luật về tín dụng nói chung, không đặc thù theo nghị quyết này thì tốt xấu thế nào để so sánh, xem làm thế nào hay hơn và cũng qua đó thấy rằng luật phải sửa gì.
“Kéo dài thì nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu gì, chứ không phải kéo dài chung chung. Xin kéo dài 2 năm nhưng mà 02 năm có xử lý hết chỗ này không? Hay xử lý được bao nhiêu phần trăm? Trong báo cáo phải có biểu bảng, có phụ lục, có số năm, có số khoản”, ông Nguyễn Khắc Định lưu ý; đồng thời cho rằng, trong lúc cấp bách, khó khăn mới phải có chính sách đặc biệt, không thể có luật quy định chính sách đặc biệt mãi mãi được.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì cho rằng, những khoản nợ trong thời gian xác định là nợ xấu mà không thu hồi được thì nó đã quá xấu, cho dù bây giờ có làm thành Luật đi nữa cũng không thể thu hồi được.
“Mảnh đất giá có 500 triệu mà thế chấp đến 5 tỷ đồng, bây giờ giám đốc bị bắt, đất là đất nông nghiệp, không chuyển được, quy hoạch là đất an ninh, quốc phòng. Không được thì không thể nào thu hồi được, cho nên cái đó quá xấu, có kéo dài thời hạn cũng không thể nào thu hồi được”, ông Cường nêu ví dụ.
Từ thực tế trên, ông Cường kiến nghị những khoản nợ phát sinh sau ngày 15/08/2017 tách ra cái nào thuộc khách quan, cái nào chủ quan và đánh giá phần nào xử lý được.
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề nợ bất động sản, nợ chứng khoán, tín dụng tiêu dùng như thế nào? Bây giờ tín dụng bất động sản và chứng khoán núp bóng tín dụng tiêu dùng có không và bao nhiêu? Nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp ra sao?
“Có một loại là lãi dự thu xấu hơn cả nợ xấu. Lãi dự thu trên số nợ xấu thì còn xấu hơn cả nợ xấu, tức là ăn vào những cái không có. Cứ theo hợp đồng tín dụng tính ra thôi, cho vay 1 tỷ, lãi suất 10%, mỗi năm là bao nhiêu, cứ hạch toán ra đưa vào phân phối, chia nhau. Thực chất bản thân gốc đã không thu được nói gì lợi nhuận” – Chủ tịch Quốc hội cho biết, đồng thời lưu ý đánh giá xem do tác động của Covid-19 thế nào, không phải tất cả việc gì cũng đổ cho Covid-19.
Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, riêng phát hành năm 2021 đến hơn 700 ngàn tỷ, trong đó 44% về các lĩnh vực bất động sản. Trái phiếu doanh nghiệp cảnh báo nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới cảnh báo. "Tình hình nóng trên thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn tới đây rất nóng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và đề nghị rà soát, kiểm tra, đánh giá để từ dó nói nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Q.N (t/h)