Như Thương hiệu & Công luận đã đưa tin, theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến hết ngày 28/2/2018, Công ty Cổ phần May Lê Trực còn nợ 1.822,2 triệu đồng tiền BHXH, BHYT của 95 người lao động, trong đó số nợ đã lên tới 13 tháng.
Trước sự việc trên PV Báo Thương hiệu & Công luận đã có buổi trao đổi với Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng VP luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).
LS Hoàng Tùng - Tùy từng trường hợp sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Hoang Tùng nhận định: Theo Khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm.
Khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội”.
Công ty May Lê Trực nợ gần 2 tỷ tiền BHXH, BHYT
Như vậy, khi công ty không đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Dự án 8B Lê Trực đầy tai tiếng của Công ty May Lê Trực
Ngoài ra, tùy từng trường hợp sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Doanh nghiệp đã có hành vi nợ 1.822,2 triệu đồng tiền BHXH, BHYT của 95 người lao động, số nợ lên tới 13 tháng. Do đó, căn cứ theo khoản 3 Điều 216 Bộ luật hình sự thì chủ lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình từng nêu rõ: "Quốc hội đã thông qua Luật Hình sự và quy định từ ngày 1-1-2018, các hành vi vi phạm nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc bị coi như là tội phạm. Và trách nhiệm của tòa án các cấp, nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc, viện kiểm sát truy tố, thì tòa án các cấp phải thụ lý theo đúng quy định của luật".
Vậy liệu rằng với trường hợp nợ BHXH, BHYT của Công ty May Lê Trực như trên sẽ bị xử lý như thế nào?
“Điều 216: Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.”
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.
Đông Hòa - Trần Đức