Nợ xấu có thể xuống duới 3,5% vào năm 2020 - Hình 1

Cả 3 loại nợ xấu có thể đẩy xuống dưới 3,5% năm 2020

Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng với chủ đề “Ngân hàng 2018: Hướng tới Phát triển bền vững” tổ chức ngày 8/5, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho hay, trước đây, do nguồn lực có hạn nên VAMC chỉ tổ chức phân tích, phân loại những khoản nợ xấu đã mua về VAMC từ 30 tỉ đồng trở lên. Sang năm 2018, VAMC bắt đầu đưa ra ngưỡng từ 10 tỉ đồng trở lên.

Với Nghị quyết 42, các tài sản đảm bảo khoản nợ xấu, vấn đề thu giữ… thì khi VAMC đứng ra xử lý được sự hỗ trợ tích cực từ các ngành, đặc biệt là địa phương để hợp thức hóa các chủ đầu tư, tài sản để chủ đầu tư mới có nguồn lực tiếp tục triển khai dự án, do đó đã biến dự án dở dang, tài sản nằm một chỗ thành tài sản bắt đầu đưa vào thực tiễn để khai thác, sử dụng, phát huy tối đa nguồn lực hiện có.

Theo ông Đông, Nghị quyết 42 mới có hiệu lực gần một năm (từ 15/8/2017), nhưng riêng trong năm 2017 kết quả thu hồi nợ đã tăng mạnh so với 2016 và những năm trước đó. Hiệu quả xử lý nợ đã tăng gấp rưỡi so với thời điểm chưa có Nghị quyết 42. Đặc biệt, Nghị quyết 42 có hiệu lực chỉ hơn 1 quý trong năm 2017 nhưng kết quả thu hồi nợ xấu về mặt thực chất của 2017 đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2016 và những năm trước đây.

Từ năm 2018, VAMC sẽ hạn chế việc mua nợ xấu và phát hành bằng trái phiếu đặc biệt. Thay vào đó, sẽ tổ chức phân tích, phân loại các loại khoản nợ 10 tỉ đồng trở lên, gắn với đó là tiến hành mua đứt bán đoạn. Tức là mua theo cơ chế thị trường.

Cùng với Quyết định 1058 của Thủ tướng phê duyệt tăng vốn điều lệ của VAMC lên 5.000 tỉ đồng, VAMC hướng việc xử lý nợ xấu đi vào thực chất, mang hiệu quả tích cực, tạo nguồn lực mới cho nền kinh tế.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nhấn mạnh tới 4 thành quả quan trọng của quá trình xử lý nợ xấu. Thứ nhất, không để xảy ra đổ vỡ có hệ thống. Đây là bài toán rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta ngân sách hạn hẹp, nguồn lực hạn chế, xử lý nhiều vấn đề cùng lúc như tái cơ cấu nợ xấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công.

Thứ hai là hệ thống đã lành mạnh hơn trước. Nếu như tháng 9/2012, nợ xấu khoảng 17,2% và đến nay, các nợ xấu đã công bố khoảng 7,4%, cuối năm 2018 khoảng 6%.

“Với đà này, tôi cho là với mục tiêu của năm 2018, cả 3 loại nợ xấu có thể đẩy xuống  dưới 3,5% năm 2020”, ông Lực nhận định.

Về hiệu quả kinh doanh, năm 2012, ROE của hệ thống ngân hàng khoảng 6%, tới cuối 2017 đã là 11%. Như vậy, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng cải thiện rất nhanh trong vòng 6 năm vừa qua.

Bên cạnh đó, quản lý, quản trị điều hành cũng minh bạch hơn, nhiều ngân hàng liên kết hơn, sở hữu chéo đã giảm rất rõ. Đặc biệt, luật mới đã yêu cầu lãnh đạo ngân hàng không được phép kiêm nhiệm đối với lãnh đạo doanh nghiệp và rất nhiều lãnh đạo ngân hàng đã chấp hành nghiêm túc.

Nêu lên một số kiến nghị để đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong thời gian tới, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế không, ông Cấn Văn Lực cho hay,  hiện nay xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo vướng ở khâu thuế, cụ thể thuế chuyển nhượng tài sản. Cần có hướng dẫn cụ thể, tránh để xảy ra tình trạng người bán tài sản đảm bảo, bán xong rồi nhưng người mua được tài sản đó không lấy được tài sản đó về do thuế chưa đóng.

Liên quan đến việc phát triển thị trường mua bán nợ, hiện chúng ta chưa có một thị trường mua bán nợ thực sự. Còn một việc nữa, rất quan trọng đó là sớm tăng vốn cho các ngân hàng thương mại. Tín dụng tăng trưởng liên tục khoảng 15-17% trong năm qua nhưng vốn chủ sở hữu chỉ tăng được 8-9%.

“Cái cuối cùng, liên quan đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng, chúng ta mong tín dụng sẽ hộ trợ thúc đẩy tăng trưởng kính tế. Tuy nhiên, tín dụng chỉ đóng góp một phần tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam chúng ta. Do đó, nên tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng hơn”, ông Lực nói.

T. Nguyên