Giám đốc điều hành (CEO) Sundar Pichai của Google - Ảnh: CNBC.
Theo tin từ BBC, trong bức thư trên, nhân viên Google nói rằng dự án công cụ tìm kiếm của công ty ở Trung Quốc đặt ra "những câu hỏi cấp bách về đạo đức", đồng thời kêu gọi công ty minh bạch hơn.
"Hiện tại, chúng tôi không có những thông tin cần thiết để đưa ra các quyết định về mặt đạo đức đối với công việc của mình", lá thư có đoạn.
Chưa bao giờ công khai tuyên bố về kế hoạch giới thiệu công cụ tìm kiếm mới ở Trung Quốc, Google chưa đưa ra bình luận chính thức nào về lá thư nói trên.
Tuy nhiên, nguồn tin là nhân viên Google tiết lộ với hãng tin CNBC rằng trong một cuộc họp nội bộ vào ngày thứ Năm, Giám đốc điều hành (CEO) Google Sundar Pichai nói rằng công ty "chưa tiến gần đến" việc mở một công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc, và liệu Google sẽ hoặc có thể làm việc đó "còn chưa rõ ràng". Tuy nhiên, ông Pichai cũng nói Google rất quan tâm đến thị trường Trung Quốc và đang xem xét nhiều lựa chọn.
Google rời khỏi Trung Quốc 8 năm trước do không chịu tuân thủ luật kiểm duyệt Internet của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên, vào tháng trước, một số thông tin nói rằng Google đang có một dự án bí mật nhằm mở dịch vụ tìm kiếm mới tại thị trường Trung Quốc. Các nguồn tin nói nền tảng mới của Google tại Trung Quốc sẽ chặn một số nội dung và trang web nhạy cảm theo quan điểm của Bắc Kinh. Nếu có, một công cụ tìm kiếm như vậy vẫn đòi hỏi phải có được sự nhất trí của Chính phủ Trung Quốc.
Thông tin này khiến nhiều nhân viên của Google bất bình vì cho rằng họ đang bị công ty lừa dối, khiến họ phát triển công nghệ giúp sức cho chính sách kiểm duyệt Internet gây tranh cãi của Trung Quốc, trong khi bản thân họ không biết gì về kế hoạch của công ty tại Trung Quốc.
Trong lá thư được chia sẻ với giới truyền thông, các nhân viên Google cho rằng một dự án công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc như vậy, nếu có, sẽ là một sự vi phạm quy định hành xử trong nội bộ Google.
"Chúng tôi thực sự cần thêm sự minh bạch, một vị trí trong quá trình bàn bạc, và một cam kết về quy trình rõ ràng, cởi mở: nhân viên Google cần được biết họ đang làm việc vì cái gì", lá thư có đoạn.
Đây không phải là lần đầu tiên nhân viên Google lên tiếng phản đối các quyết định của công ty. Hồi tháng 4, hàng nghìn nhân viên Google phản đối việc công ty làm việc cho một chương trình của quân đội Mỹ về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cho thiết bị bay không người lái. Sau đó, Google đã chấm dứt hợp đồng AI với Lầu Năm Góc.
Trung Quốc là nước có lượng người sử dụng Internet lớn nhất thế giới, nhưng các hãng công nghệ Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc gia nhập thị trường Trung Quốc do chính sách kiểm duyệt Internet ngặt nghèo.
Facebook, Google, Twitter và Instagram đều bị chặn ở Trung Quốc, nhưng Google vẫn có 3 văn phòng ở nước này.
Theo Vneconomy