Hậu quả thì đã rõ

           Năm 1991, sau khi họp bàn, được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan chức năng, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã đưa nhóm người Chứt (dân tộc cuối cùng trong 54 dân tộc anh em được phát hiện ở trong hang đá, trên dãy núi Trường Sơn, thuộc biên giới Việt-Lào) về định cư, lập nên bản Rào Tre. Trải qua 27 năm, từ 90 người Chứt được tìm thấy, không tên, không tuổi, được đưa về chia thành 18 hộ dân, tất cả đều lấy họ Hồ, đến nay bản Rào Tre đã có thế hệ thứ ba của người Chứt, với tổng cộng  37 hộ, 134 nhân khẩu.

          Theo trung tá Dương Văn Tịnh, người có thâm niên 15 năm cắm bản Rào Tre thì đó là cả một sự hồi sinh kỳ diệu của người Chứt sau khi tiếp cận với xã hội văn minh. Tuy nhiên, sự hồi sinh đó chưa lâu thì nay người Chứt lại đang phải đối mặt với một thực trạng đau lòng đó là hậu quả của hôn nhân cận huyết.

Nỗi đau hôn nhân cận huyết dưới chân núi Ka Đay - Hình 1

Trẻ em bị tật nguyền đang cần sự giúp đỡ.

          Thực trạng cậu lấy cháu, cháu lấy chú, con anh lấy con em, con cô lấy con cậu… những bi kịch đau lòng xoay quanh mối quan hệ hôn nhân luẩn quẩn của người Chứt đang đẩy dân tộc này vào nguy cơ mất dần nòi giống.

            Một ngày gần đây, chúng tôi đã tìm về gia đình đôi vợ chồng trẻ Hồ Viết Cương (38 tuổi), Hồ Thị Thành (35 tuổi). Xét về phả hệ thì Thành phải gọi Cương bằng cậu ruột, nhưng rồi cách đây 10 năm, sau một thời gian quấn quýt bên nhau, họ đã nên duyên vợ chồng. Kết quả của mối tình này là 4 đứa con lần lượt chào đời nhưng đứa nào cũng sức khỏe yếu, bệnh tật, còi cọc, chậm phát triển.

           Năm 2007, con gái đầu của vợ chồng Cương mới lọt lòng mẹ đã bị bại não rồi mất sau đó 2 tháng. Năm 2013, con trai thứ ba của đôi vợ chồng trẻ cũng mất sau khi chào đời được 5 tháng vì mắc phải bệnh sưng phổi. Nay vợ chồng Cương còn lại 2 đứa con đặt tên là Hồ Viết Mạnh (7 tuổi), Hồ Thị Thơm (2 tháng tuổi) nhưng cả Mạnh và Thơm đều yếu quặt quẹo, ốm đau thường xuyên.

           Cách nhà vợ chồng Cương một đoạn khoảng ba chục bước chân là căn nhà sàn của vợ chồng Hồ Hà (34 tuổi), Hồ Thị Sâm (30 tuổi). Xét  về phả hệ thì Hà và Sâm vốn là con cô, con cậu nhưng trên thực tế họ đã lấy nhau cách đây 14 năm và đến nay đã có với nhau 3 mặt con là Hồ Thị Thu (11 tuổi), Hồ Thị Huyền Trang (7 tuổi), Hồ Thị Thảo (2 tuổi). Và điều đáng buồn là cả 3 cháu Thu, Huyền, Thảo đều còi cọc, ốm yếu. Đáng thương nhất là cháu Thu, ngay từ lúc lọt lòng mẹ đã bị dị tật, không có bàn chân trái.

         Anh Nguyễn Nam Giang (45 tuổi), bác sĩ quân y cắm bản Rào Tre cho biết, ngoài 2 trường hợp trên thì ở bản này còn có nhiều trường hợp khác tương tự như Hồ Gio và Hồ Thị Hoa là con cô, con cậu nhưng đã lấy nhau và có với nhau 3 mặt con; Hồ Hùng lấy Hồ Thị Nhỏ, đã có với nhau 4 mặt con, dù Hùng và Nhỏ cũng là con cô con cậu…..

         Ông Trần Văn Lộc, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hương Liên cho biết, theo thống kê của các cơ quan chức năng thì cứ 4 đứa trẻ sinh ở bản Rào Tre là có 1 đứa phải chịu cảnh tật nguyền như cụt tay, cụt chân, hàm ếch…hoặc phát triển không bình thường và nguyên nhân chính của hậu quả này là do thực trạng hôn nhân cận huyết gây ra.

Nhưng lối thoát còn…mịt mù

         Trung tá Dương Văn Tịnh, Trạm trưởng trạm biên phòng bản Rào Tre tâm sự, trước thực trạng hôn nhân cận huyết ở bản này, đơn vị và các cơ quan chức năng khác đã nhiều lần họp, vạch ra nhiều phương án để “giải cứu” người Chứt như tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện, khuyến khích bà con trong bản kết hôn với người Kinh, những đôi vợ chồng khác dân tộc, không cận huyết sẽ được địa phương cấp đất, nhà ở cùng một khoản hỗ trợ bằng tiền để bước đầu ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho người Chứt ở bản gặp gỡ, giao lưu với người Chứt, người Mã Liềng ở tỉnh Quảng Bình…

       Tuy nhiên đến nay, một thực tế đáng buồn là các phương án đưa ra vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả, lối thoát “giải cứu” hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre vẫn còn rất mịt mù.

Nỗi đau hôn nhân cận huyết dưới chân núi Ka Đay - Hình 2

Trẻ em ở Bản Rào Tre

        Lý giải về nguyên nhân này, thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cho biết, sau khi thoát khỏi cuộc sống nguyên thủy hang động, tâm sinh lý, văn hóa, lối sống của người Chứt vẫn chưa thể hòa nhập kịp thời với người Kinh. Trong khi đó, để gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng Chứt ở tỉnh Quảng Bình, bà con phải vượt núi, băng rừng trên quảng đường hơn 15km hết sức khó khăn.

        “Thực trạng hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre đang đẩy người Chứt vào tình thế hết sức cam go và việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết thực trạng này cũng khó khăn chẳng khác gì cách đây 27 năm, khi mà Bộ đội biên phòng và cơ quan chức năng của tỉnh tìm cách đưa đồng bào từ trong hang đá về lập bản, dựng làng”, ông Hải nói.

         Ông Hoàng Công Lý, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, để “giải cứu” người Chứt, đơn vị này đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh lập dự án trình Chính phủ xin mở đường nối liền từ bản Rào Tre sang tỉnh Quảng Bình để đồng bào 2 địa phương giao giao lưu, tìm hiểu rồi kết hôn với nhau. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai.

        Ông Đinh Xuân Thường, Bí thư đảng ủy xã Hương Liên, huyện Hương Khê cho rằng, việc nhóm người Chứt được cơ quan chức năng đưa từ hang động về lập bản, định cư ổn định tại Rào Tre đã ngăn được nguy cơ tuyệt vong, lụi tàn của cộng đồng dân tộc này ở Hà Tĩnh. Nhưng hiện nay, hôn nhân cận huyết lại đang đẩy tộc người này vào sự mất dần giống nòi. Để giải quyết thực trạng đáng buồn này, về phía cộng đồng người Chứt cần phải nỗ lực hơn nữa để thay đổi lối sống, tư duy, nhận thức, học tập và lao động. Còn về phía cơ quan chức năng thì cần đưa ra những giải pháp cụ thể, có tính khả thi và cần phải thực hiện nhanh, đồng bộ để hỗ trợ đồng bào trong “cuộc chiến” chống lại hôn nhân cận huyết.

Nguyên Dũng