Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ổn định, các kho mua đều. Thị trường lúa ổn định, giá có xu hướng tăng. Trong khi đó, thị trường gạo hôm nay điều chỉnh tăng mạnh 200 – 400 đồng/kg, giao dịch ổn định.

Ảnh internet
Nông dân trồng lúa được hưởng lợi do giá gạo tăng cao. Ảnh internet.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu tăng cao nhờ việc tỷ giá USD tăng, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà nông dân trồng lúa cũng được hưởng lợi. Dự báo thị trường gạo cuối năm, các doanh nghiệp cho rằng xu hướng tăng giá sẽ kéo dài đến cuối tháng 12.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất điều chỉnh tăng mạnh sau chuỗi ngày đi ngang. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn. Với mức giá này, hiện giá gạo Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới.

Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau gần 02 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU.

Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như: ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng. EU cấp hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế suất ưu đãi 0% sau khi EVFTA có hiệu lực thi hành. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn.

Giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục tăng trở lại. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.200 – 9.300 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.000 – 10.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Hiện giá tấm duy trì ở mức 9.400 đồng/kg; cám khô ở mức 8.500.

Hải Dương (t/h)