Hội nghị kéo dài từ ngày 22 đến ngày 25/9 nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu của hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam và kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vừa và nhỏ Việt Nam với các đối tác kinh doanh nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ tiềm năng ở thị trường nước ngoài trên môi trường trực tuyến.

Tiếp sức nông sản, thực phẩm Việt vươn ra thế giớiTiếp sức nông sản, thực phẩm Việt vươn ra thế giới

Các doanh nghiệp nước ngoài tham dự hội nghị đến từ 28 thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, gồm Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Myanmar, Nhật Bản, Anh, Belarus, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hungary, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Algeria, Iran, Israel, UAE, Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Hoa Kỳ, Mexico...

Ngoài ra, trong nước cũng có sự tham gia từ các doanh nghiệp đến từ 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam là Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Hà Nội, Hải Phòng, Hậu Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Lâm Đông, Long An, Nghệ An và Quảng Ngãi.

Những ngành hàng được giới thiệu, quảng bá và giao thương tại hội nghị gồm: rau củ quả (tươi, khô, cấp đông...), gạo, đỗ, ngô, khoai, đồ uống (chè, cà phê, sữa, nước ép trái cây), bánh kẹo, thủy sản, hạt tiêu, quế, hồi, mì, miến...

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phúc - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, đây là hội nghị giao thương trực tuyến lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm được tổ chức từ trước tới nay, có sự kết nối với nhiều thị trường nước ngoài.

Các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm tốt của Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi tiếp xúc và trao đổi về đa dạng các cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp nhập khẩu tiềm năng nước ngoài.

Theo ông Vũ Bá Phú, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chuỗi cung ứng trong ngành nông sản, thực phẩm bị đứt gãy, trong khi nhu cầu thực phẩm không thuyên giảm mạnh.

Chính vì vậy, Cục Xúc tiến thương mại đã liên tiếp thực hiện nhiều cuộc giao thương trực tuyến nhằm hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối với đa dạng thị trường trọng điểm và mục tiêu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh: Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài khi chúng tôi có nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm phong phú với chất lượng đảm bảo, phù hợp nhiều phân khúc tiêu thụ khác nhau để cung ứng cho thị trường quốc tế.

Vì vậy, qua Hội nghị giao thương này, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác kinh doanh vì lợi ích của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch và xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh bền vững cho đa dạng sản phẩm nông sản, thực phẩm.

Theo ông Đoàn Lê Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Yên Bái), với nhiều lợi thế về sản xuất nông lâm thuỷ sản và khoáng sản nên việc khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến sâu các mặt hàng này được tỉnh quan tâm, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa để tăng giá trị kim ngạch, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 2.300 doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm tăng từ 17-20% so với năm trước, với các mặt hàng chủ yếu như chè xanh, chè đen, quế, tinh dầu quế, măng tre bát độ, ván ép, gỗ ghép thanh, đũa gỗ, tinh bột sắn, giấy đế, giấy vàng mã, đá trắng, cao lanh, bột đá trắng..; trong đó, măng tre Bát độ là một trong các loại cây lâm nghiệp chủ lực tại Yên Bái và được trồng nhiều ở các huyện như Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình và một số xã vùng ngoài huyện Văn Chấn.

Bên cạnh các cây trồng thế mạnh như măng, quế thì cây sắn, chè cũng là cây có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Do đó, tỉnh Yên Bái mong muốn có nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài, quan tâm, tìm hiểu, đầu tư, bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp trong tỉnh để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, phát triển kinh tế.

Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam bao gồm Phiên toàn thể và các Phiên giao thương, kết nối trực tuyến 1:1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam với từng nhà nhập khẩu tiềm năng theo phân nhóm mặt hàng và thị trường.

Tại Phiên toàn thể các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tìm hiểu triển vọng và xu hướng tiêu thụ nông sản, thực phẩm Việt Nam ở một số thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng nắm rõ hơn thông tin về tiềm năng, thế mạnh của nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Ngoài ra, với các phiên giao thương riêng diễn ra ngay sau đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp xúc trực tuyến 1:1 với những nhà nhập khẩu nước ngoài, chia theo nhóm ngành hàng và thị trường cụ thể.

Tại hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại cũng giới thiệu về Triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2020 (Vietnam FoodExpo) diễn ra từ ngày 18-21/11/2020 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Đăng Khôi