Ô tô giá rẻ “ồ ạt” vào thị trường Việt Nam

Sau khi các hãng xe như VinFast, Kia, MG… ra mắt thị trường một số mẫu ô tô điện, thì một số thương hiệu ô tô điện cũng Trung Quốc cũng đang dần chuyển hướng, nhắm đến thị trường Việt Nam - một trong những thị trường ô tô có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực trong những năm qua.

Mới đây, mẫu ô tô điện Trung Quốc giá rẻ đầu tiên được lắp ráp tại thị trường Việt Nam là Wuling HongGuang MiniEV. Mẫu xe ô tô điện mini này là sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa Liên doanh GM (General Motors)- SAIC-Wuling (SGMW) đến từ Trung Quốc và đối tác tại Việt Nam- Công ty cổ phần Ô tô TMT.

Mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV sản xuất tại Việt Nam sẽ có 4 chỗ ngồi
Mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV sản xuất tại Việt Nam sẽ có 04 chỗ ngồi

Mẫu xe sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với công suất 30.000 xe/năm. Trong tương lai, quy mô nhà máy có thể được mở rộng thêm theo lộ trình hợp tác chiến lược với liên doanh GM-SAIC-Wuling.

Hongguang Mini EV là mẫu xe được nghiên cứu bởi liên minh GM-SAIC-Wuling, bán tại thị trường nội địa Trung Quốc từ tháng 07/2020. Mẫu xe có 04 phiên bản, bao gồm tiêu chuẩn, Macaron, Gameboy và Convertible, với giá bán dao động từ 32.800 - 99.900 nhân dân tệ (113 - 346 triệu đồng).

Ngoài ra, đại diện hãng xe Chery cho biết, đang tìm đối tác để tiến hành mở nhà máy, lắp ráp các mẫu xe tại Việt Nam dự kiến với hai mẫu là OMODA và Chery.

Theo các chuyên gia, đối với động cơ đốt trong, hiện Trung Quốc (TQ) đã ngang ngửa với các nước tiên tiến trên thế giới, vì từ rất lâu nước này đã hợp tác liên doanh với các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới theo tiêu chuẩn GB được ban hành bởi cơ quan Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc (SAC) và Ủy ban Quốc gia Trung Quốc về ISO và IEC. Cùng với lợi thế đông dân, hiện Trung Quốc là thị trưởng ô tô lớn nhất thế giới thậm chí gần gấp đôi thị trường thứ hai là Mỹ, do đó lợi ích về xe hơi đem lại là rất lớn và không hãng sản xuất xe hơi nào bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường này.

Khi bắt đầu chịu thua thiệt trước các hãng xe của thế giới về động cơ đốt trong và không thể theo kịp và phải có hướng đi khác, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quyết sách là phát triển thị trường xe điện với lợi thế nguồn đất hiếm dồi dào.

Nhiều chuyên gia cũng tỏ ý lo ngại khi những chiếc xe ô tô điện giá rẻ ồ ạt vào thị trường Việt Nam sẽ giống như câu chuyện xe máy TQ nhập khẩu trước đây với giá rẻ hơn rất nhiều so với xe máy Honda, Yamaha nên vẫn có nhiều người mua, nhưng chỉ sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp, không đảm bảo ATGT.

Phải có lựa chọn chắt lọc

Thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt quy mô 700.000-800.00 xe vào năm 2025 và trên 1 triệu xe/năm từ sau năm 2030. Ngoài ra, ô tô chạy pin cũng đang được giảm 100% lệ phí trước bạ trong vòng ba năm đầu và giảm 50% trong hai năm tiếp theo.

Nhiều chuyên gia lo ngại ô tô điện nguy cơ sẽ lặp lại vết xe đổ như nhiều hãng xe trước đó. Bởi nếu chỉ với giá từ 100 triệu đồng trở xuống sẽ đồng nghĩa với các dịch vụ theo xe rất ít, các tiêu chuẩn an toàn sẽ được cắt giảm bớt, quãng đường di chuyển cho một lần sạc chỉ ngắn trong khi đó hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, giá rẻ cũng khó thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam.

Theo ông Hoàng Văn Hùng, chuyên gia về ô tô thì, hiện rất nhiều hãng xe trên thế giới sử dụng linh kiện của TQ. Để quản lý chất lượng, cần phải có rào cản kỹ thuật với một số tiêu chuẩn như chất lượng pin, thời gian sử dụng, chế độ xạc… để kiểm soát việc nhập khẩu xe kém chất lượng vào Viêt Nam.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, thị trường xe ôtô điện của Việt Nam vẫn chưa thể phát triển mạnh được vì hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu như điện, môi trường, các trạm xạc… do đó, nhiều thương hiệu lớn vẫn không mặn mà với xe điện mà hướng tới sử dụng năng lượng sạch.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì: “Vận tải xanh đang rất phổ biến nên nhu cầu sử dụng ô tô điện vào Việt Nam rất là nhiều, nhưng ô tô điện kèm theo đó rất nhiều vấn đề như linh kiện sạc điện, trạm sạc pin lưu động cũng sẽ có những bài toán giao thông tránh trường hợp quá nhiều phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng đến tắc đường tại các thành phố lớn.

Về chất lượng của ô tô điện Trung Quốc thì cần các cơ quan ban ngành vào cuộc để có có một thông số, xây dựng quy chế quy chuẩn cho hải quan để kiểm soát đầu vào Việt Nam. Quan trọng ngay cả phế thải từ ắc quy cũng cần chú trọng tránh bị ô nhiễm môi trường. Với các thương hiệu của Việt Nam cần làm chủ trên sân nhà, có chính sách về chất lượng, đổi mới sáng tạo để cạnh tranh với các thương hiệu ô tô điện nước ngoài”. 

Trước đó, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc (xe xăng) như: Zotye, BAIC, Beijing X7... vào Việt Nam nhưng chưa thực sự thành công. Các mẫu có ưu điểm chung là giá cực rẻ, kiểu dáng đẹp nhưng chất lượng vẫn luôn khiến người dùng Việt Nam băn khoăn. Độ bền thấp, độ mất giá nhanh và thiếu cơ sở bảo dưỡng, bảo hành là điểm trừ của hầu hết các dòng xe Trung Quốc. Đa phần xe được nhập bởi nhà nhập khẩu tư nhân.

Trang Nguyễn