Gần 100 cơ sở nhà đất tại Hà Nội

Theo Bản công bố thông tin của Hapro, trước IPO, Tổng công ty đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau IPO, Công ty cổ phần Hapro tiếp tục quản lý sử dụng 114 địa điểm, trong đó có 96 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội.

Trong số đó, có 32 địa điểm cơ sở nhà, đất Hapro ký hợp đồng thuê nhà đất với Nhà nước thì không tính giá trị tài sản trên đất và đất thuê vào giá trị doanh nghiệp, phần diện tích Hapro xây dựng thêm được xác định vào giá trị doanh nghiệp khi IPO.

Ông lớn Hapro “ôm” bao nhiêu

500m2 được Hapro sử dụng làm chuỗi cửa hàng tại số 1 Điện Biên Phủ

Có 64 địa điểm có tài sản nhà là tài sản của doanh nghiệp, đất thuê của Nhà nước. Trong đó có dự án 11B Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm không tính vào giá trị doanh nghiệp IPO, đã tính vào giá trị vốn góp của Hapro tại CTCP Khách sạn Tràng Thi (đang nắm giữ 30%). Hiện Hapro đang đứng tên thuê đất, có trách nhiệm phối hợp với CTCP Khách sạn Tràng Thi và Sở TNMT Hà Nội để hoàn tất thủ tục đất đai, đầu tư dự án khách sạn tại 11B Tràng Thi.

Còn 63 cơ sở nhà, đất còn lại Hapro sẽ phải tiến hành đánh giá lại tài sản trên đất để xác định vào giá trị doanh nghiệp khi IPO.

Trong đó, đáng chú ý có 3 cở sở nhà đất Hapro đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dài hạn, đã thu tiền cho cả thời gian thuê:

Dự án 11B Cát Linh:  Có tổng diện tích 17.720m2, đây là tòa nhà cao 15 tầng và 2 tầng hầm, 1 tầng mái, gồm có 5 tầng thương mại, 10 tầng văn phòng cho thuê và trụ sở Hapro. Hiện đang cho 3 công ty thuê lại, trong đó có Vietcombank.

Ông lớn Hapro “ôm” bao nhiêu

Dự án 11B Cát Linh đang được Hapro cho 3 doanh nghiệp và ngân hàng thuê

Địa điểm 362 Phố Huế: Có diện tích đất hơn 618m2, diện tích nhà hơn 3.376m2 gồm có 7 tầng cao và 1 tầng hầm, đang cho một ngân hàng thuê.

Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng: công trình này đang xây dựng dở dang và cũng gặp phải không ít tai tiếng. Hapro hợp tác với Doji triển khai xây dựng từ 2010 trên diện tích 1.624m2.

Quyền lợi của Hapro ở dự án này là được sở hữu, khai tác và sử dụng toàn bộ diện tích sàn tầng 4, sàn tầng hầm 1 và 3. Ngoài ra, Hapro được Doji trả khoàn tiền hợp tác kinh doanh là 134 tỷ, đã nhận và hạch toán vào doanh thu cả vòng đời của dự án.

Ông lớn Hapro “ôm” bao nhiêu

Tòa nhà của Hapro tại 362 Phố Huế

Ngoài ra, Hapro còn đang tham gia đầu tư vào 5 cở sở nhà, đất khác đang có tranh chấp. Đáng chú là có dự án Trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình tại 132 Nguyễn Trãi có diện tích đất hơn 3.100m2. Dự án này Hapro hợp tác với CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất, hiện dự án bị tạm dừng do bà Châu Thị Thu Nga đã bị bắt. Hapro được sở hữu 2.200m2 sàn tại tầng 1 và 12 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế ứng trước đã nhận 6 tỷ.

Bên cạnh đó, quỹ đất mà Hapro gián tiếp quản lý và sử dụng cũng khá lớn. Phần lớn quỹ đất này do các công ty con, công ty liên kết mà Hapro nắm phần lớn vốn góp.

42 khu đất của Công ty TNHH MTV TMDV Tràng Thi

Công ty này Hapro sở hữu trên 53%. Quỹ đất mà Tràng Thi đang quản lý nằm chủ yếu ở Hà Nội, phần lớn là đất thuê trả tiền hàng năm. Trong đó, đáng chú ý là khu đất số 10B Tràng Thi (Hoàn Kiếm) rộng 1.800m2.

Ngoài ra, công ty này còn hợp tác với Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS triển khai dự án tại số 47 Cát Linh rộng 2.163m2. Đồng thời cũng đang quản lý khu đất vàng 2.098m2 tại số 12-14 Tràng Thi mà đơn vị này đặt làm trụ sở (đang đề nghị ký tiếp hợp đồng thuê đất)…

11 cở sở nhà đất của Công ty CP Đầu tư Long Biên

Đây cũng là một trong những công ty liên kết của Hapro, hiện đang sở hữu gần 31%. Đầu tư Long Biên đang quản lý tới 11 cơ sở nhà đất đang thuê làm thương mại văn phòng làm việc quanh khu vực Gia Lâm, Long Biên: từ 300m2 đến 2000m2 với tổng quỹ đất khoảng 10.000m2.

Ông lớn Hapro “ôm” bao nhiêu

Dự án của Hapro tại số 5 Lê Duẩn

8 khu mặt bằng thương mại của Hapro Holdings

Công ty này là một thành viên của Hapro thành lập năm 2007, chuyên đầu tư vào các khu mặt bằng thương mại, dự án BĐS ở Hà Nội và các tỉnh thành khác.

Một số dự án điển hình như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6000m2), Phủ Lý – Hà Nam (1922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha…Ngoài ra, Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.

Ông lớn Hapro “ôm” bao nhiêu

Dự án của Hapro tại số 10B Tràng Thi

Trước thềm chào bán cổ phần lần đầu, Hapro được nhiều nhà đầu tư mong ngóng. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, dù Hapro có quỹ đất thuê lớn có nghĩa chi phí bỏ ra sẽ không hề nhỏ và những rủi ro trong quản lý và điều chỉnh chính sách… Bài toán đặt ra là chủ mới của Hapro sẽ tận dụng lợi thế như thế nào để có thể khai thác được tiềm năng của Công ty này. Trong khi đó những năm gần đây, Hapro liên tục đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp, tinh giản bộ máy, lợi nhuận sau thuế của Hapro năm vừa qua cũng chỉ vài chục tỷ đồng.

Được biết, Hapro sẽ chào bán chính xác là 75,93 triệu cổ phần, chiếm 34,51% vốn điều lệ công ty với giá khởi điểm là 12.800 đồng/cp. Nếu thực hiện thành công, Hapro sẽ thu về tối thiểu 971 tỷ đồng từ đợt IPO này. Thời gian tổ chức phiên IPO dự kiến diễn ra lúc 8h30 ngày 30/3/2018 tại Sở GDCK Hà Nội.

Nhóm PV