Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan, ông chủ Điện Kremlin đổ lỗi cho cái mà ông gọi là "chương trình nghị sự xanh” vì đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng, trong khi khẳng định Nga sẽ thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ năng lượng.
Thuật ngữ "chương trình nghị sự xanh" thường được ông Putin coi là bước đầu tiên của các nước phương Tây trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
“Điểm mấu chốt là nếu bạn có nhu cầu và bạn vô cùng khó khăn, hãy dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên đường ống Nord Stream 2 có công suất 55 tỉ mét khối khí đốt/năm, chỉ cần nhấn nút, mọi thứ sẽ diễn ra”, ông Putin cho hay.
Nord Stream 2 là dự án đường ống khí đốt dài 1.230 km, được xây dựng nhằm tăng gấp đôi dòng chảy khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức thông qua đường biển Baltic. Dự án này đã hoàn thành từ tháng 09/2021, song Đức đã ra lệnh cho cơ quan giám sát của nước này đình chỉ quá trình chứng nhận chỉ vài ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Putin cho biết, công ty năng lượng hàng đầu của Nga Gazprom đang hoàn thiện các chi tiết xây dựng của dự án đường ống dẫn khí Soyuz Vostok qua Trung Quốc và có thể mang tới 50 tỉ mét khối khí đốt hàng năm cho nước này, theo đài RT.
Đường ống Soyuz Vostok là một phần trong dự án đường ống Power of Siberia 2 - một thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Gazprom năm 2014. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 16/09 xác nhận đường ống Power of Siberia 2 là dự án để thay thế cho đường ống Nord Stream 2 và dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2024.
Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt tồi tệ nhất trong lịch sử với việc giá năng lượng tăng cao. Mỹ và các nước Châu Âu cáo buộc Nga “vũ khí hóa” khí đốt để gây sức ép, đáp trả lệnh trừng phạt của Châu Âu trong bối cảnh cuộc xung đột tiếp diễn ở Ukraine.
Trong khi đó, Nga đổ lỗi việc phương Tây khởi động chiến tranh kinh tế và trừng phạt khiến công ty Gazprom thông báo ngừng cung cấp khí đốt kéo dài vô thời hạn cho Châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1.
Vĩnh Khang/plo.vn