Nợ xấu cả nội bảng cũng như nợ xấu gộp giảm tương đối mạnh trong thời gian vừa qua, từ mức 17,6% năm 2017 đến thời điểm cuối năm 2021 chỉ còn 6,3%. Nợ xấu nội bảng cũng giảm từ mức khoảng 2,34% vào tháng 09/2017 xuống còn khoảng 1,5% vào thời điểm cuối 2021.

Bên cạnh đó, thể chế về xử lý nợ xấu cũng được hoàn thiện hơn. Thời gian qua, nhiều văn bản được Chính phủ, các bộ ngành hướng dẫn triển khai liên quan đến tài sản đảm bảo, đến hướng dẫn thủ tục về xử lý nợ…

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, không chỉ xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42 còn đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo mục tiêu và Quốc hội và Chính phủ đề ra. Nghị quyết 42 góp phần giải tỏa lượng vốn tồn đọng cho nền kinh tế. Bởi vì nợ xấu khiến phát sinh chi phí vô hình rất lớn bao gồm chi phí quản lý nó, rồi chi phí tìm cách để xử lý.

Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp lại do chi phí đầu vào tăng và đầu ra gặp nhiều khó khăn. Dự báo năm nay nợ xấu nội bảng sẽ bị đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%. Khi Thông tư 14 hết hiệu lực, nợ cơ cấu chuyển nhóm chắc chắn nợ xấu sẽ tăng.

Lý do nữa, kinh doanh tiền tệ rủi ro luôn tiềm ẩn. Nợ xấu là vấn đề liên tục xảy ra chứ không phải chỉ có thời kỳ kinh tế khó khăn. Do đó cần phải có một khung pháp lý hoàn thiện xử lý vấn đề này, chứ không phải để cộng dồn, tích tụ... gây nên những nguy cơ, điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia. Điểm quan trọng, hiện quy mô nợ xấu tuyệt đối rất là khác.

Ảnh minh họa internet
Phải có một khung pháp lý hoàn thiện để xử lý nợ xấu. Ảnh minh họa internet.

Nếu chúng ta không luật hóa xử lý nợ xấu mà lại quay trở về dùng những luật cũ như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp… để làm căn cứ pháp lý chính trong xử lý nợ xấu, khi áp dụng sẽ rất lúng túng và chồng chéo.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhận định, mặc dù hoạt động xử ý nợ xấu đã có kết quả tích cực, nhưng những tồn tại và thách thức từ những vướng mắc tại Nghị quyết 42 cũng không ít.

Đầu tiên, đó là sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành địa phương chưa quyết liệt. Tiếp đến còn có sự chưa đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các cơ quan nhà nước trong xử lý nợ xấu. Đơn cử, liên quan đến thứ tự xử lý khoản tiền thu hồi được khi bán được tài sản đảm bảo: Bên thuế đòi phải thu thuế trước, nhưng ngân hàng cũng cho rằng phải thu nợ trước. Điều đó thể hiện sự chưa nhất quán và là tác nhân khiến xử lý nợ xấu bế tắc.

Bên cạnh đó, hoạt động thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của khách hàng. Thủ tục rút gọn được kỳ vọng tạo đột phá trong xử lý nợ xấu, nhưng cuối cùng lại không thực hiện được vì trong quá trình xử lý nảy sinh tình tiết mới liên quan đến khoản nợ xấu đó và ngân hàng phải quay trở lại xử lý theo cách thông thường…

Q.N (t/h)