Làm tốt từ công tác phân luồng, hướng nghiệp
Tại tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh có 5.521 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018; Trong đó có 2.680 thí sinh đăng ký với hai mục đích là: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ đạt tỷ lệ 48,5%; 2.249 thí sinh đăng ký dự thi chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp đạt hơn 40%.
Tương tự, tại tỉnh Bắc Giang có hơn 19.000 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018; Trong đó có hơn 10.000 thí sinh dự thi với mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ đạt 53,14% và trên 8.500 thí sinh đăng ký dự thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp tương đương 43,31%. Qua đó cho thấy, định hướng nghề nghiệp của HS đã có sự dịch chuyển. Các em không còn lựa chọn ĐH là “con đường duy nhất” mà đã có sự chuyển dịch sang các trường nghề hoặc đi làm luôn sau khi tốt nghiệp THPT.
Theo thầy Đàm Thanh Lạc – Hiệu trưởng Trường THPT Long Thạnh (Kiên Giang), trong trường phổ thông, giáo dục hướng nghiệp (GDHN) là hoạt động định hướng nghề nghiệp nhằm giúp HS có những hiểu biết nhất định về những ngành nghề, hình thành kỹ năng phân tích, nhận định và có kỹ năng ra quyết định. Từ đó, giúp các em có thể chọn lựa những ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực bản thân và nhu cầu lao động trong cộng đồng, xã hội.
Ngược lại, làm không tốt công tác GDHN trong nhà trường sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của HS, nhất là sau khi rời khỏi ghế nhà trường phổ thông. Sự lựa chọn nghề nghiệp, ngành học không phù hợp hoặc hướng đi không đúng trong tương lai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời các em mà đôi khi trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội và lãng phí nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, công tác GDHN cho các em đóng vai trò rất quan trọng và đặc biệt cần thiết.
Cũng theo thầy Lạc, khi đánh giá chất lượng GD, lâu nay người ta hay nhìn vào kết quả các kỳ thi, nhất là Kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, chất lượng GD-ĐT không chỉ thể hiện qua tỷ lệ hay những con số. Đào tạo những công dân có đủ đức lẫn tài, trở thành nguồn nhân lực tốt cho xã hội mới là đích cần hướng tới của ngành GD.
Do đó, hướng nghiệp, dạy nghề là một trong những hoạt động bổ trợ nhằm cung cấp cho HS những hiểu biết nhất định và định hướng đúng đắn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS hay THPT. Hướng nghiệp, dạy nghề có vai trò quan trọng đối với HS, nhất là những em có học lực yếu khó có thể vào ĐH.
Không còn quan niệm: Phải vào ĐH
“Hiện nay, xã hội đánh giá chất lượng giáo dục của một trường đã theo tiêu chí khác. Theo đó, người ta không chỉ nhìn vào tỷ lệ HS đỗ vào ĐH, mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có yếu tố công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp”.
Theo Báo Mới