Ông Phương Hoàng Kim, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại sự kiện. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), Phương Hoàng Kim phát biểu 

Giải thưởng “Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phát biểu tại buổi lễ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Phương Hoàng Kim cho biết:

Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, những công trình xây dựng tiêu biểu trong việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời, thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến, nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm có tính năng kỹ thuật vượt trội, hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng.

Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp được tổ chức lần đầu tiên năm 2017. Đến nay, giải thưởng đã thu hút sự tham gia của hơn 140 doanh nghiệp, với 720 giải pháp tiết kiệm năng lượng, 56 cá nhân cũng đã được Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam vinh danh.

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm.

Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng. Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1.174 tỷ đồng.

Cũng theo tính toán của EVN, chỉ cần tiết kiệm được 2% lượng điện năng tiêu thụ đúng như yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện. Sản lượng điện này tương đương với lượng điện của một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200MW. Theo Bộ Xây dựng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ước tính từ 30-35% với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40%.

Thời gian nhận hồ sơ tham gia các giải thưởng đến hết ngày 15/11/2023. Sau khi thời gian nhận hồ sơ kết thúc, hội đồng kỹ thuật giải thưởng sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn các công trình, sản phẩm, doanh nghiệp đạt tiêu chí xét tặng giải thưởng. Ban tổ chức sẽ nhận hồ sơ theo cả 2 hình thức là bản giấy và bản điện tử.

Dự kiến công bố và trao giải tháng 12/2023.

Nguyễn Kiên