Phát triển công trình xanh tại Việt Nam chưa hiệu quả

Hội thảo được Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học & Công nghệ, Ủy ban Khoa học - Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức tài chính Quốc tế IFC (Ngân hàng Thế giới) và sự hỗ trợ tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Capital House).

Phát triển công trình xanh ở Việt Nam: Nhiều chủ đầu tư vẫn còn e dè - Hình 1

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo là một phần của việc thực hiện kế hoạch hoạt động 5 năm (2017-2022) cho "Chương trình Phát triển Công trình Xanh và Bền vững", mục tiêu nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS phát triển các Công trình Xanh trên phạm vi toàn quốc hướng tới góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường BĐS Xanh của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay: Việt Nam, một quốc gia được dự báo là sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu; dù có phản ứng chậm hơn thế giới nhưng từ những năm 2000, chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động tích cực mà điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác. Và để cụ thể hóa chủ trương này, mới đây nhất, chỉ cách đây vài tuần, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tăng trưởng Xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Tuy nhiên ông Nguyễn Trần Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, phong trào phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.

Có thể nói, việc phát triển Công trình Xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn của đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường BĐS, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển Công trình Xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường BĐS.

Trước thực trạng và cơ sở nhận thức nêu trên, đồng thời nhằm ủng hộ chủ trương lớn, hết sức đúng đắn của Đảng - Nhà nước, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành về tăng trưởng Xanh và phát triển Công trình Xanh; dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ KHCN, Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội; Hiệp hội BĐS Việt Nam đã phối hợp cùng các đối tác xây dựng Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam. Hiệp hội đã bước đầu thành lập Ban điều phối Chương trình với 22 thành viên gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về Công trình Xanh và lãnh đạo các doanh nghiệp BĐS lớn. Đồng thời xây dựng chương trình hành động cho 5 năm tới với mục tiêu góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường BĐS Xanh của Việt Nam.

Vẫn còn những rào cản

Tham luận tại hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation cho biết, mặc dù được phổ biến khá rộng rãi trên thị trường, nhưng việc phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam vẫn còn một số rào cản nhất định do nhận thức về lợi ích của Công trình Xanh chưa thật sự đúng và đủ. Do hoàn toàn tự nguyện và không bắt buộc nên động lực tham gia phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam đa phần dựa vào nhận thức trách nhiệm xã hội và nhu cầu giảm thiểu chi phí vận hành của doanh nghiệp, đặc biệt là từ nhận thức nghiêm túc và quan tâm đúng mức của các chủ đầu tư nước ngoài như BigC, Intel, Coca-Cola, Dell,…

Riêng đối với các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án trong nước thì vẫn còn e dè với chi phí đầu tư ban đầu hay quy trình chất lượng được thực thi và giám sát chặt chẽ nên từ đó làm thời gian thi công công trình kéo dài, kéo theo việc giảm lợi nhuận.

Để hiện thực hóa giấc mơ về một đất nước được Xanh hóa bởi hầu hết Công trình Xanh, chúng ta cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể, phải tạo dựng “ý thức Xanh” cho nhiều thế hệ công dân, trang bị “tư duy Xanh” cho mọi tầng lớp và quan trọng hơn cả chính là chúng ta phải cùng “hành động”.

Ngày nay, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiền nhiều hơn cho những sản phẩm Xanh và sạch, xu hướng thị trường và phát triển thương hiệu cũng đã đưa các chủ đầu tư tiếp cận nhiều hơn đến phát triển Công trình Xanh là một tín hiệu đáng mừng cho xu hướng phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam.

Từ thực tế cơ sở bà Thanh Mẫu cũng đưa ra một số kiến nghị với các sở, ban ngành chức năng. Theo đó, cần ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư Công trình Xanh, xây dựng chính sách ưu đãi về nhiều mặt cho các nhà đầu tư tham gia phát triển Công trình Xanh. Cụ thể: Ưu đãi về thuế, các thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch, ưu đãi về đơn giá thiết kế và xây dựng Công trình Xanh; Cần sự hợp lực liên ngành như xây dựng, giáo dục, truyền thông phát động nhiều phong trào sống Xanh, tổ chức hội thảo để cùng chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng thực tiễn trong phát triển Công trình Xanh.

Cũng theo bà Mẫu các chủ đầu tư cần mạnh dạn tham gia phát triển Công trình Xanh bới đây cũng là một trong những cách nâng cao uy tín và thương hiệu trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng ngày một cao hơn và thiết thực hơn.

Còn theo bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC, Phát triển Công trình Xanh là xu hướng tất yếu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Ở Việt Nam, vấn đề này đến nay mới thực sự được quan tâm. Là Tập đoàn đặc biệt quan tâm đến phát triển môi trường bền vững cộng đồng, FLC luôn thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới tham gia thiết kế các công trình của FLC.

Khi thực hiện khảo sát sơ bộ, những sản phẩm đã đi vào vận hành ghi nhận các gia đình sử dụng điều hòa rất thấp, đây là điểm tích cực đối với các sản phẩm BĐS của FLC. “Sắp tới, chúng tôi sẽ hướng đến xây dựng các quần thể nghỉ dưỡng Xanh”, bà Dung nhấn mạnh.

Khánh Yên