Chiều 17/11/2023, tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) Diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam 2023, chủ đề "Tăng trưởng xanh và bền vững" được Báo Văn hóa, Tạp chí Thương hiệu Sản phẩm và Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tổ chức với sự tham gia của gần 200 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, các hiệp hội và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết: Bên cạnh những thành tựu, du lịch hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như những vấn đề về quá tải cục bộ, tính mùa vụ, những vấn đề trong quản lý môi trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng….
Do đó, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đã trở thành một nguyên tắc một xu thế chung trong phát triển du lịch nhiều quốc gia trên thế giới. Tiêu chí “xanh” ngày càng được thị trường coi trọng hơn trong việc lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch.
Phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài bền vững.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để các chính sách, các định hướng phát triển du lịch được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế cần có sự quyết tâm, đồng lòng của các nhà quản lý, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội…. để góp phần xây dựng một ngành du lịch xanh, bền vững, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.
Đề cập đến nội dung phát triển du lịch xanh, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, phát triển du lịch xanh cần quan tâm đến 3 nội dung cơ bản: quản lý du lịch xanh, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh; tiêu dùng du lịch xanh (khách du lịch có ý thức lựa chọn sử dụng các sản phẩm dịch vụ du lịch xanh, lựa chọn điểm đến xanh; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên và môi trường khi đi du lịch)
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng: Cần khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; Sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động trong ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch và người dân về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và du lịch bền vững. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm đến về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; không xả rác bừa bãi; hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần (chai nhựa, cốc nhựa, túi nylon, ống hút,...) Kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” dưới hình thức các “dự án du lịch xanh” nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất, quỹ rừng.
Ông Võ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng: Du lịch xanh được coi là một loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo ông, cần có hành động của tất cả các bên liên quan để góp sức thực hiện phát triển du lịch xanh ở Việt Nam như: Nâng cao nhận thức thay nhằm thay đổi hành vi vì mục tiêu phát triển du lịch xanh; Cải thiện năng lực quản lý hiệu quả lượng khách du lịch tại các điểm đến du lịch; Giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trong kinh doanh du lịch; Tăng cường hợp tác, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan…
Là tỉnh có hơn 300 km bờ biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết: Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh xác định du lịch là một trong bốn trụ cột tập trung phát triển (cùng công nghiệp, cảng biển và nông nghiệp công nghệ cao) với mục tiêu phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế. Các chia sẻ tại diễn đàn, tỉnh sẽ tiếp nhận để áp dụng, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc.
Ngoài ra, dưới góc độ nghiên cứu và thực tiễn triển khai của doanh nghiệp, tại diễn đàn, các đại biểu đã phân tích, đưa ra các kiến nghị xung quanh các vấn đề: Xu hướng khai thác du lịch xanh trên thế giới và khả năng ứng dụng của Việt Nam; quản trị du lịch thông minh hướng tới mục tiêu xanh và bền vững; chuyển đổi số ngành du lịch; phát triển sản phẩm du lịch xanh; sự cần thiết ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh; kiến nghị các vấn đề liên quan đến rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích và tạo đột phá phát triển du lịch cả nội địa và quốc tế; giới thiệu một số mô hình và sản phẩm, dịch vụ liên kết du lịch thông minh…
Thanh Huyền