Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế trọng yếu đối với cả nước.

Đồng thời, đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước.

Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính phát biểu tại Hội thảo

ĐBSCL còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, hào hùng và vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó, đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khơ Me, Hoa, Chăm... với những nét văn hóa đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo, đem lại nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; trong đó, một trong những giải pháp phát triển nhanh, bền vững kinh tế vùng là phát triển kinh tế ban đêm dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL.

Việc phát triển kinh tế ban đêm là hoạt động không thể tách rời trong đời sống xã hội, là hoạt động gắn kết với du lịch được hiểu là mọi hoạt động văn hóa văn nghệ, ẩm thực, trải nghiệm, tham quan... được diễn ra trong khoảng thời gian từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.

Hội thảo đã đươc các đại biểu chuyên gia, nhà khoa học, quản lý chuyên ngành nhận diện chỉ rõ những thách thức và rào cản đặt ra trong phát triển kinh tế ban đêm ở các tỉnh vùng ĐBSCL.

Quang cảnh hội thảo
Hội thảo đã gợi mở thêm nhiều vấn đề cho việc phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh vùng ĐBSCL

Đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, so sánh phát triển kinh tế ban đêm của một số quốc gia trên thế giới, các đại biểu đã thảo luận, chỉ rõ thực trạng những vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp, kiến nghị về thay đổi bổ sung cơ chế, chính sách dành cho sự phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh vùng ĐBSCL thời gian tới.

Theo đó, để phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực ĐBSCL nói riêng trong thời gian tới, trước hết các cấp, các ngành, các địa phương cần phải thay đổi tư duy, nhận thức trong xã hội; cần hiểu đúng, đánh giá đúng khái niệm, tiềm năng thế mạnh về kinh tế ban đêm; cần có các bước quy hoạch bài bản, không sao chép khuôn mẫu với tầm nhìn xa dành cho kinh tế ban đêm.

Các đại biểu kiến nghị cần phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp về tài chính, đất đai, về năng lượng, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần lựa chọn những điểm nhấn riêng biệt, những loại hình văn hóa nghệ thuật, ẩm thực tinh túy nhất, riêng có của mỗi địa phương để phát triển kinh tế ban đêm.

Đặc biệt, phải có cơ chế (khu pháp lý) đặc thù trong việc bố trí đất đai, xã hội hóa loại hình phát triển, khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc nhằm hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước thông qua cơ chế lấy thu bù chi cho hoạt động, vận hành.

Đồng thời, phải có cơ chế giám sát, đảm bảo tốt an ninh trật tự cho các điểm kinh tế ban đêm, nhất là những phát sinh vấn đề nhạy cảm, văn hóa đồi trụy, mại dâm, ma túy, tội phạm...

Trên cơ sở thảo luận các nội dung trên, hội thảo gợi mở thêm nhiều vấn đề mới cần quan tâm cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các giảng viên và nhà nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm tại các tỉnh vùng ĐBSCL.

PV