Ngành du lịch đã đạt được những thành tựu khá ấn tượngNgành du lịch đã đạt được những thành tựu khá ấn tượng

Thay đổi cả về chất và lượng

Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về việc phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với 5 quan điểm:

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.

Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa.

Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội.

Mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH; thu hút khoảng 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị XK thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, thay đổi cả về chất và lượng và là một trong những điểm sáng, làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương - góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng, phát triển KT-XH của đất nước.

Liên tiếp trong 3 năm qua, tăng trưởng du lịch luôn đạt con số 30%. Nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh cũng được cải thiện đã khẳng định, sự đầu tư đúng đắn cho phát triển du lịch từ Trung ương đến các địa phương, sự tham gia của nhiều NĐT lớn trong và ngoài nước đã góp phần làm thay đổi bộ mặt hạ tầng dịch vụ du lịch.

Tháng 10/2019, Việt Nam đã được nhận các giải thưởng du lịch: Điểm đến hàng đầu châu Á trong 2 năm liên tiếp (2018 - 2019); điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019 và điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Bên cạnh đó, Việt Nam còn được World Golf Awards trao tặng giải thưởng điểm đến golf tốt nhất châu Á 2019.

Ngày 28/11/2019, Việt Nam được xướng tên vinh danh tại 2 hạng mục giải thưởng: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 và Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019, tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 (WTA), diễn ra tại Oman.

Ngoài ra, hàng chục giải thưởng quốc tế khác dành cho các hãng hàng không, DN du lịch, lữ hành, khách sạn, resort, các công trình, điểm du lịch tại những điểm đến nổi tiếng hàng đầu Việt Nam như Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc… đã góp phần nâng cao uy tín các hoạt động dịch vụ, du lịch tại Việt Nam.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2019, du lịch Việt Nam đứng thứ 63/140 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh (tăng 4 bậc so 2017).

Việt Nam cũng được đánh giá cao đối với sức cạnh tranh về giá (hạng 22 thế giới). Một số nhóm chỉ số được xếp vào nhóm trung bình cao thế giới (từ hạng 36 - 70), gồm: Nhân lực và thị trường lao động (hạng 47); hạ tầng hàng không (50); an toàn và an ninh (58); mức độ mở cửa quốc tế (58); môi trường kinh doanh (67).

Theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch có sự bứt phá ngoạn mục là do Việt Nam đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng, trong đó có các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Kiên Giang...

Năm 2019, du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16% so 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%).

Tính đến 15/12/2019, có 720 DN được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế mới. Cả nước hiện có 2.648 DN lữ hành quốc tế; có 26.864 hướng dẫn viên, trong đó có 6.161 thẻ hướng dẫn viên được cấp mới.

Hạ Long (Quảng Ninh), điểm đến du lịch hấp dẫnHạ Long (Quảng Ninh), điểm đến du lịch hấp dẫn

Vững vàng trên bản đồ du lịch thế giới

Việc các DN lớn Vingroup, Sun Group, FLC... tích cực đầu tư xây dựng những khách sạn nghỉ dưỡng lớn, đẳng cấp trên cả nước, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho chất lượng dịch vụ du lịch và đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Việt Nam cũng giữ vững ngôi vị là quốc gia có khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới.

Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Hương Trần Kiều Dung cho biết:

“DN đã xây dựng những quần thể du lịch đầy đủ tiện ích tại các vùng đất giàu tiềm năng. Nhờ đó, đã chuyển đổi hiệu quả những vùng đất hoang sơ thành những điểm đến cao cấp về du lịch, giải trí, thu hút hàng nghìn lao động, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế tại địa phương.

Bên cạnh hạ tầng lưu trú, sự kết nối giữa các vùng, miền, cũng là yếu tố mà DN quan tâm. FLC đã cho ra đời hãng Hàng không Bamboo Airways với dịch vụ định hướng 5 sao và những đường bay thẳng kết nối trực tiếp các điểm du lịch của Việt Nam với trong nước và thế giới”.

Đến nay, đã có trên 40 tỉnh, thành phố ban hành, triển khai thực hiện kế hoạch Nghị quyết 08-NQ/TW tại địa phương.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Huyên: Để phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, định hướng phát triển du lịch, xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND, ngày 10/12/2018 về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực du lịch. Các sở, ngành, địa phương, theo chức năng nhiệm vụ, tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư vào du lịch từ nhiều thành phần kinh tế.

Đầu tư phát triển hạ tầng kết nối giao thông tại các địa bàn trọng điểm và các tuyến đường đến các khu du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các tiềm năng du lịch và phát triển các tuyến, điểm du lịch tại tỉnh.

Hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng và nâng cấp; các di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo kịp thời; các khu, điểm du lịch đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; một số sản phẩm du lịch của tỉnh đã được khẳng định thương hiệu. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú hơn.

Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện việc CCHC, trong đó cắt giảm thời gian giải quyết TTHC (cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, thẩm định và cấp quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch…), từng bước nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi cho DN đầu tư và kinh doanh du lịch.

Đồng thời, tích cực tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập DN du lịch, cung cấp thông tin cho các DN du lịch ở các tỉnh quan tâm về các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch tại tỉnh; tăng cường hợp tác, trao đổi với các tỉnh, thành phố, thông qua việc tham gia các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ, đăng cai tổ chức chương trình du lịch qua miền di sản Việt Bắc 2019... đã góp phần tăng cường, giới thiệu về du lịch Lạng Sơn…

Những thành tựu to lớn đã đạt được trong thời gian qua - đã đưa ngành du lịch Việt Nam vững vàng trên bản đồ du lịch thế giới và trở thành “cú hích” chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn xã hội về ngành công nghiệp không khói - phát triển dựa trên văn hóa, thiên nhiên và con người...

Nguyễn Kiên