Thị trường đầu phiên 29/6 đón nhận thông tin về tình hình tăng trưởng GDP khi GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, không như kỳ vọng, rất khó có thể đạt được mức tăng trưởng mục tiêu đã đề ra là 6-6,5%. Do đó, VN-Index sau nhiều phiên có diễn biến rung lắc xoay vòng ở vùng kháng cự đã chịu áp lực bán từ đầu phiên quanh vùng 1.140 điểm, áp lực bán gia tăng mạnh dần cho đến cuối phiên.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), trong phiên giao dịch hôm nay 30/6, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.120 – 1.125 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.110 – 1.115 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), trên đồ thị kỹ thuật, chỉ số đóng cửa bằng cây nến đỏ dạng Marubozu kèm khối lượng giao dịch trên ngưỡng trung bình 10 phiên cho thấy lực bán tương đối lớn. Diễn biến này phù hợp để cân bằng cung – cầu khi thị trường đã tăng 7 phiên liên tiếp trước đó.
“Đà giảm có thể tiếp diễn đầu phiên hôm nay 30/6 song kỳ vọng nhịp hồi sẽ xuất hiện quanh vùng hỗ trợ 1.115 – 1.120 điểm (tương ứng đường MA20). Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại vùng hỗ trợ trên, ưu tiên giải ngân vào nhóm VN30”, chuyên gia của Agriseco nhận định.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.125 – 1.135 điểm trong phiên hôm nay 30/6. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy xu hướng ngắn hạn có dấu hiệu chững lại, đặc biệt rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng cho thấy áp lực điều chỉnh vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm về vùng bi quan.
Kết phiên giao dịch ngày 29/6, VN-Index giảm khá mạnh 12,96 điểm (-1,14%) về mức 1.125,96 điểm, lấy đi thành quả tăng điểm 3 phiên trước và đang kiểm tra lại vùng giá 1.125 điểm thời điểm tháng 1/2023. HNX-Index giảm 2,77 điểm (-1,20%) về mức 227,48 điểm. Độ rộng thị trường tiêu cực hơn thể hiện áp lực bán mạnh áp đảo ở nhiều mã với tổng cộng 509 mã giảm giá (10 mã giảm sàn), 134 mã tăng giá (12 mã tăng trần), và 88 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 19.136 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước, nhưng duy trì trên mức trung bình cho thấy áp lực chốt lãi, điều chỉnh mạnh diễn ra ở nhiều mã. Thị trường chịu áp lực bán mạnh khi tăng trưởng GDP không như kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng kém, trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều mã chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản đột biến.
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có tương quan cao với VN-Index cũng chịu áp lực bán mạnh vào cuối phiên, thanh khoản vượt mức trung bình với FTS (-5,42%), AGR (-5,08%), BVS (-4,84%), VCI (-4,47%), VIX (-4,47%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau phiên tăng điểm tích cực, cũng chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình góp phần tạo áp lực giảm điểm của VN-Index.
Minh An(T/h)