Chiều nay 12/07, kiểm tra hướng tuyến, hiện trường mặt bằng và làm việc với lãnh đạo các địa phương tại tỉnh Thái Bình về công tác chuẩn bị triển khai và đề xuất các hướng tuyến cùng các thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng ngay trong năm 2022.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra thực tế tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra thực tế tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng.

Đến nay, các tỉnh phối hợp với nhà đầu tư để nghiên cứu về hướng tuyến, đảm bảo tuân thủ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hướng tuyến ngắn nhất, tránh tối đa việc đi qua khu đô thị, khu đông dân cư để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Trong đó, tỉnh Thái Bình đã giao các sở, ngành chức năng cập nhật phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai, bổ sung quỹ đất dự kiến triển khai thực hiện dự án vào Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của tỉnh Thái Bình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất; rà soát, bố trí mỏ cát biển phục vụ thi công dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tỉnh đã chủ động bố trí vùng khai thác vật liệu phục vụ việc triển khai dự án.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác triển khai đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác triển khai đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng.

Để đẩy nhanh tiến độ công trình, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, sau khi dự án được phê duyệt chúng ta tách dự án giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án ra khỏi dự án trên cơ sở đó các tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh.

Cùng với đó, vật liệu đưa vào phục vụ công trình này là rất lớn nên đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau này chỉ định cấp quyền khai thác các mỏ cát để phục vu thi công tuyến đường này tốt nhất. Việc này phải làm sớm nếu không sẽ mất nhiều thời gian.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối nhiều tỉnh, thành phố; bên cạnh tuyến đường ven biển, đầu tư tuyến đường bộ cao tốc sẽ tạo động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc là cần thiết, phù hợp với quy hoạch.

Theo Phó Thủ tướng, muốn thực hiện nhanh công trình thì cần phải làm đúng. Vì vậy, các địa phương phải cùng nhau vào cuộc, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu sang năm phải khởi công công trình. Nên các cơ quan tham mưu cần phải chính xác để đưa ra tiến độ quyết tâm thực hiện.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc.

Về vốn công trình, Phó Thủ tướng đề nghị, thứ nhất là Thủ tướng đã kết luận rồi là vốn giải phóng mặt bằng là các địa phương cấp ủy, Bí thư và Chủ tịch phải chịu trách nhiệm; không có chuyện Trung ương cấp nữa. Vì vậy giải phóng mặt bằng qua địa phương nào địa phương đó phải chịu trách nhiệm điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công. Thứ hai là vai trò của tư vấn và chủ đầu tư là cực kỳ quan trọng.

Do đó, đề nghị tư vấn và chủ đầu tư là Chủ tịch các Phó Chủ tịch các Tổng Giám đốc phải thật sự sát sao, cần thiết thay tư vấn.

Phạm vi dự án
Phạm vi dự án.

Về hướng tuyến, Phó Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở quy hoạch, tư vấn tiếp tục nghiên cứu đề xuất hướng tuyến ngắn nhất, tránh tối đa việc đi qua khu đô thị, khu đông dân cư để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, bảo đảm khả thi, hiệu quả tối ưu. Phó Thủ tướng yêu cầu phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, vì lợi ích chung của đất nước, tuyệt đối không cục bộ - địa phương.

Vì vậy, các địa phương chủ động bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu; đơn vị tư vấn, chủ đầu tư thực sự sát sao, đảm bảo chẩn bị dự án và đầu tư xây dựng đúng tiến độ, với chất lượng cao nhất. Đồng thời các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Theo VOV.VN