Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tại hội nghị, báo cáo về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng năm 2021, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Lê Thanh Hải cho biết, 9 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều đường dây ổ nhóm tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết quả trong 9 tháng, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290 vụ việc vi phạm (giảm 289,69%), thu nộp ngân sách nhà nước 7.519.022 đồng, số vụ khởi tố 1.615 đối tượng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích rõ tình hình và những kết quả đạt được trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua. Đồng thời cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc về chính sách và các quy định hiện hành trong công tác này…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận những tháng qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, nhất là tình trạng một số cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ có tiêu cực, bị xử lý.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sẽ tăng trở lại; trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, kèm theo đó là nguy cơ lớn về buôn lậu, gian lận thương mại. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch đấu tranh kịp thời để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các vi phạm.

Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm. Quán triệt, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, các quy định của pháp luật về lĩnh vực chống buôn lậu. Các cơ chế, chính sách, quy định về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu, chưa đầy đủ, các bộ, ngành cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là những hàng hóa ảnh đến sức khỏe người dân.

Trong giai đoạn cao điểm sắp tới các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tập trung vào các nhóm hàng có nguy cơ vi phạm cao như xăng dầu, khoáng sản, đường, thuốc lá.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), do đó, công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ có vai trò rất quan trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quý IV năm 2021, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Nắm chắc tình hình, nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả; đề ra nhiều giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các vụ vi phạm.

Tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, trên biển, nhất là đường mòn, lối mở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng mang vào nội địa tiêu thụ. Tiếp tục phòng, chống buôn lậu các mặt hàng là trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, đặc biệt các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong thị trường nội địa; chú trọng đối với các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được bày bán công khai, tràn lan trên các trang thương mại điện tử, mua bán online, cửa hàng kinh doanh, tạp hóa, đại lý.

Tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng (biên phòng, công an, hải quan, quản lý thị trường...) trong công tác phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái…

Nguyễn Kiên