THCL Ngày 30/11, dự Lễ kỷ niệm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” (29/11) tại Bộ Công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia đã nhấn mạnh: "Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã chủ động phối hợp với các cơ quan, có nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu…
Thương hiệu & Công luận trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của Phó Thủ tướng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo tại buổi lễ
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và lâu dài để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hút đầu tư, khuyến khích, sáng tạo làm lành mạnh hóa thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về vấn đề này như Chỉ thị 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về “Đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả”, Chỉ thị 28/2008/CT-TTg ngày 8/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng”, Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới”...
Từ năm 2007, theo đề nghị của VATAP và các cơ quan, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hàng năm làm ngày “Phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với công tác phòng, chống hàng giả.
Năm nay, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý thị trường tổ chức Kỷ niệm ngày “Phòng chống hàng giả, hàng nhái” với hàng trăm doanh nghiệp đại diện cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên cả nước, cùng với các lực lượng chức năng của các bộ, ngành - là việc làm thiết thực góp phần thiết thực thực hiện chủ trương chống hàng giả của Đảng và Nhà nước ta. Sự tham gia của các cơ quan chức năng và đông đảo các thành viên Hiệp hội, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đối với công tác chống hàng giả bảo vệ thương hiệu hiện nay.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP phát biểu tại buổi lễ
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Trong lĩnh vực này, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương và địa phương, có nhiều hoạt động như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu; hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân tham gia công tác chống hàng giả, hàng nhái với nhiều hình thức khác nhau; khuyến khích, vận động các doanh nhiệp hỗ trợ cơ quan chức năng xác định hàng thật, hàng giả, cung cấp thông tin để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; tham gia, góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách…
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân, do đó các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đẩy mạnh công tác này.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định song phương, đa phương, vấn nạn hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, mang yếu tố nước ngoài.
Chính phủ đang tập chung xây dựng theo hướng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Lĩnh vực chống hàng giả, hàng nhái là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai công tác này trong thời gian tới cần quán triệt đầy đủ các quan điểm nêu trên. Chúng ta phải hành động thiết thực, nói đi đôi với làm, duy trì, liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành vi nào tiếp tay, bảo kê cho vi phạm, vì doanh nghiệp và người dân.
Để công tác chống sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng bảo vệ thương hiệu hiệu có hiệu quả - là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan thực thi pháp luật, các địa phương và của Hiệp hội…
Đối với các cơ quan truyền thông báo chí, đã tiên phong trong công tác tuyên truyền, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, nhưng vẫn cần phải phát huy hơn nữa trong công tác này.
Báo Thương hiệu & Công luận nhận Bằng khen của Bộ Công thương
Phó thủ tướng đề nghị: Các cơ quan chức năng, nhất là các bộ Tài chính, Công thương, Công an, Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ động, thường xuyên rà soát, chính sách pháp luật liên quan, kịp thời phát hiện bất cập, sơ hở để bổ sung, sửa đổi tạo khung pháp lý đầy đủ, vững chắc, thuận lợi cho công tác thực thi chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các cấp ủy chính quyền địa phương, các cơ quan thực thi cần chỉ đạo và thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực, kết hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và người tiêu dùng để công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng có hiệu quả, kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đặc biệt, hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm đang diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… đã ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi, cây trồng, ảnh ảnh đến cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn càng thêm điêu đứng, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.
Do vậy, các lực lượng chức năng, đặc biệt là hải quan, biên phòng, cảnh sát biển phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu các mặt hàng này, không để những mặt hàng kém chất lượng được nhập khẩu vào Việt Nam bằng những con đường chính ngạch, tiểu ngạch.
Tại thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường, công an, thanh tra... tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để các mặt hàng kém chất lượng này lưu thông trên thị trường. Lực lượng công an cần tập trung phá cho được những đường dây buôn lậu, làm hàng giả, đặc biệt là đối với những mặt hàng, nhóm hàng ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của đất nước.
Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, quyền lợi của khách hàng, vì vậy trong sản xuất, kinh doanh cần phải bảo đảm hàng hóa của mình phải đạt lượng cao, phải ứng dụng khoa học tiên tiến để tăng được năng xuất và giảm giá thành. Đồng thời, tránh các biểu hiện do dự trong thực hiện công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt, bởi đây là quyền lợi của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật, nhất là trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt phân phối, thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.
Trong điều kiện nguồn lực còn nhiều hạn chế, hạn hẹp như hiện nay, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Tích cực vận động hội viên thực hiện tốt việc thực thi pháp luật; không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hội viên và toàn xã hội về công tác chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hội viên không chỉ thực hiện tốt việc chấp hành các quy định của pháp luật, mà cần phải hợp tác với các cơ quan chức năng phòng chống hàng giả, sẵn sàng tố giác tội phạm.
Cần phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng, phát động chương trình “Toàn xã hội tích cực tham gia công tác chống hàng giả, hàng nhái”.
Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, cơ sở trong công tác này.
Tích cực góp ý tham gia, đề xuất các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả.
Phối hợp với Văn phòng thường trực 389 quốc gia rà soát những kiến nghị của các doanh nghiệp, đơn vị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp, cần xây dựng ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao để sản xuất những sản phẩm đạt chất lượng cao, năng suất cao, phong phú về mặt hàng, ngành hàng, đó mới là giải pháp cơ bản để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái. Phó Thủ tướng tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp..., cuộc đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu sẽ đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất trong nước, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ thực hiện phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. |
Nguyễn Kiên (Ghi)
(1): Tít bài do Tòa soạn đặt