Đầu cầu TP.HCM, có Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các sở ngành, địa phương.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức cho biết, tính từ 6 giờ ngày 4/7 đến 6 giờ ngày 5/7, thành phố ghi nhận 711 ca mắc Covid-19, trong đó, 169 ca tầm soát trong các bệnh viện, 12 ca tầm soát trong cộng đồng, các ca còn lại phát hiện trong các khu cách ly, khu phong tỏa.
Qua phân tích, giai đoạn trước, các ca phát hiện qua tầm soát trong cộng đồng ở bên ngoài khu phong tỏa, cách ly chiếm đến 75%; tuy nhiên, trong những ngày gần đây, chỉ còn 17%, còn hơn 80% các ca phát hiện qua việc khám tầm soát bệnh nhân đến các bệnh viện.
TP. HCM đang trải qua 2 đợt dịch từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi dịch điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng và từ 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng. Từ ngày 15/6 đến 4/7, số ca bệnh chiếm 79% tổng số ca của 2 đợt dịch.
Qua khám sàng lọc tại bệnh viện, xét nghiệm giám sát tại cộng đồng, thành phố phát hiện các trường hợp mắc bệnh xuất hiện hầu hết ở các khu vực: cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty văn phòng, các chợ đầu mối - truyền thống - tự phát, tại các cơ sở y tế... Điều này cho thấy, mầm bệnh đã len lỏi, lây lan trong cộng đồng. Trong đó tập trung lây lan và bộc phát mạnh ở khu vực có môi trường thuận lợi, tiếp xúc gần gũi như khu công nghiệp, nhà trọ, chợ, người lao động vùng ven…
Trong đó, quận - huyện có số ca bệnh tăng trên 40 ca/100.000 dân trong 7 ngày qua gồm: quận 1, quận 3, quận 7, quận 8, quận 9, Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện nay, số ca bệnh tại TP. HCM đang tăng nhanh, cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng đều từ các cấp cơ sở.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hiện tại TP. HCM đang giãn cách xã hội trên tinh thần áp dụng Chỉ thị 10 của TP. HCM. Nói nôm na là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ toàn TP. HCM và theo Chỉ thị 16 ở một số khu vực.
Theo Phó thủ tướng, sắp tới TP. HCM chưa đặt vấn đề "đóng băng" hay phong tỏa chặt TP nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP và vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa bình thường.
Khuyến nghị những người có việc thật sự cần thiết phải ra vào TP.HCM thì phải thực hiện theo công điện của Bộ Y tế, đến và ra khỏi TP phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19. Nếu có quy định liên quan đến việc giao thông giữa các địa phương thì thông báo trước cho người dân trước 24 tiếng.
Cùng với đó, TP. HCM cũng sẽ chuẩn bị triển khai thật nhanh các hệ thống kiểm soát người ra vào để giám sát được kết quả xét nghiệm của người đến hoặc đi khỏi TP.HCM thông qua quét mã QR.
Về công tác xét nghiệm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá thời gian qua, việc kết nối dữ liệu chưa thật sự nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, TP. HCM đã tích cực khắc phục những tồn tại trên và đang triển khai việc cấp mã QR chứng nhận kết quả xét nghiệm đối với người dân để ra, vào một số khu vực.
Phó Thủ tướng cũng khuyến nghị người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không có nghĩa là an toàn tuyệt đối. Toàn bộ người dân trên địa bàn TP. HCM cần tiếp tục nâng cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện nghiêm 5K.
Thống nhất với các ý kiến tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các sở - ngành TP tiếp thu nghiêm túc các góp ý, ý kiến trao đổi tại cuộc họp để rút kinh nghiệm và điều chỉnh các giải pháp sao cho hiệu quả nhất.
Bí thư Thành ủy TP. HCM đề nghị ngành Y tế cần triển khai có trọng tâm, trọng điểm và trả kết quả nhanh để hỗ trợ cho công tác truy vết, khoanh vùng và điều tra dịch tễ. Đồng thời, xem xét việc kết hợp giữa test nhanh và xét nghiệm PCR khẳng định để đảm bảo tính chính xác cao hơn.
Nguyễn Tùng – Hoàng Dương