Tại chương trình, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh cho rằng, do biết được tâm lý người tiêu dùng luôn mong muốn được thưởng, chấp nhận mua hàng giá cao ngất ngưỡng so với giá trị thật nên các đối tượng mới có cơ hội để lợi dụng và có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khuyến mại.
Do vậy, người dân cần phải thay đổi tâm lý này, đặc biệt quan tâm, giám sát hoạt động mua sắm hàng hóa của con em nhỏ qua thương mại điện tử, qua các chương trình khuyến mại để kịp thời hướng dẫn vì đây là số lượng khách hàng hấp dẫn để các đối tượng xấu dễ lợi dụng trục lợi.
Theo ông Huy, khi mua hàng của các chương trình khuyến mại, người dân phải yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp hóa đơn, chứng từ hoặc tài liệu quan đến giao dịch khi bán hàng hóa để làm bằng chứng giải quyết khi có phát sinh tranh chấp và khi phát hiện thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại có vi phạm các nguyên tắc…
Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng hiện hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm: Cung cấp cho người tiêu dùng giấy bảo hành trong đó ghi rõ thời gian và điều kiện thực hiện bảo hành; Cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành.
Đồng thời, đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ 3 lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi hoặc trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi; Trả chi phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng.
Cũng theo bà Phan Thị Việt Thu, trong trường hợp đã ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành, nhà cung cấp vẫn phải chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng; Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành linh kiện, phụ kiện hoặc hàng hóa đó được tính từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần lưu ý khi giao dịch mua hàng hóa hay dịch vụ, phải: Xác nhận với nhà cung cấp sản phẩm xem sản phẩm có được bảo hành hay không ngay trước khi tiến hành giao dịch.
Đồng thời, đề nghị nhà cung cấp sản phẩm cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch mua bán; nhà cung cấp sản phẩm cung cấp giấy chứng nhận bảo hành, sổ bảo hành hoặc hợp đồng bảo hành... trên đó phải thông báo rõ ràng về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành.
Khi người dân phát hiện hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, hàng lậu có thể gửi đơn thư đến Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, địa chỉ tại số 242 đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh để phản ánh, tố cáo và sẽ được tiếp nhận, xem xét giải quyết, giữ bí mật theo quy định;
Khi có kết quả giải quyết, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ thông tin lại cho người dân được biết để tiếp tục giám sát có thể: Gọi đến đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh số 028.39321014; Hoặc gọi đến đường dây nóng của Cơ quan Thường trực 389 TP. Hồ Chí Minh là số 028.39322491; Hoặc gọi qua đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường là số 1900.888.655; Hoặc có thể gửi email đến bcd389@tphcm.gov.vn và cqltt@tphcm.gov.vn.
Phong Vân (t/h)