Huyện Bình Xuyên có 52 trường học, trong đó mầm non 21 trường, tiểu học 17 trường, THCS 11 trường và 3 trường liên cấp TH &THCS. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số học sinh trên địa bàn là 31.160 em/971 lớp.
Một tiết học ngoại ngữ tại trường TH&THCS Tân PhongTrong những năm qua, cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư mua sắm, sửa chữa, cải tạo, xây mới đảm bảo điều kiện cơ bản đáp ứng được yêu cầu học tập và rèn luyện của học sinh. Tính đến tháng 12/2019, toàn huyện có 976 phòng học/971 lớp; trong đó, phòng học kiên cố 848/976 đạt 86,9%. 100% các trường TH và THCS có các phòng học bộ môn, phòng thư viện, phòng thiết bị. Toàn huyện có 16 nhà giáo dục thể chất, có 16 trường xây dựng được nhà vòm.
100% các trường tiểu học và THCS có phòng máy để dạy Tin học, 100% các nhà trường đã nối mạng và sử dụng liên lạc thông tin qua Internet một cách hiệu quả; 100% trường đã xây dựng Website và đưa vào hoạt động phục vụ chuyên môn. 100% các trường mầm non được trang bị phần mềm quản lý phổ cập GDMN, được trang bị phần mềm Kidmat để phục vụ cho công tác dạy học và phần mềm Nutril all để tính khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của huyện cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giáo dục hiện nay. Cụ thể, 100% đội ngũ nhà giáo của huyện có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, số giáo viên có trình độ trên chuẩn là 1043/1368 chiếm tỷ lệ 76,25%.
Trường MN Hoa Mai tích cực xây dựng cảnh quan thiên nhiên xanh đẹpChất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn, giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến. 5 năm qua, toàn huyện có 287 học sinh lớp 9 đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 456 học sinh giỏi KHTN, KHXH cấp tỉnh; 31 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại giải Điền kinh bơi lội toàn quốc, và 1 Huy chương Bạc trong kỳ thi “Giai điệu sơn ca” toàn quốc, 12 huy chương Olympic Toán TITAN (02 Huy chương vàng, 05 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng ); 6 huy chương Olympic Toán Singapore – Châu Á (01 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng); thi tìm kiếm tài năng toán học trẻ đạt tổng số 29 huy chương (02 huy chương vàng, 10 huy chương Bạc và 17 huy chương Đồng) và các cuộc thi trên mạng khác đạt 222 huy chương (45 Huy chương vàng, 75 huy chương Bạc và 91 huy chương Đồng, 11 KK)...
Bồi dưỡng thường xuyên và đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn tại Trường THCS Tam HợpĐể thúc đẩy mạnh mẽ chất lượng giáo dục trong thời gian tới, để giáo dục tiếp tục phát triển ổn định và bền vững đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn 2020-2025, ngành GD&ĐT huyện Bình Xuyên xác định cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp. Đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Để thực hiện được nhiệm vụ này cần khắc phục những rào cản, bất cập hiện nay (biên chế, tiền lương…) để giáo viên yên tâm công tác, thực sự say sưa, tâm huyết với nghề. Giáo viên cần đảm bảo chuẩn theo quy định và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các khóa bồi dưỡng tránh dàn trải mà cần ngắn hạn, chuyên sâu và bồi dưỡng theo, sát nhu cầu thực tế, tạo động lực để giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Thứ hai: Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán ở từng trường nói riêng, từng cấp học và của cả ngành giáo dục nói chung. Đội ngũ giáo viên cốt cán là những giáo viên vừa có tâm vừa có tầm, thường đó là tổ trưởng, tổ phó các bộ môn. Đây là lực lượng nòng cốt của nhà trường, luôn gương mẫu, tiên phong, đi đầu trong việc tiếp cận những đổi mới về chuyên môn..
Thứ ba: Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Quản lý là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự kỷ cương, nề nếp. Cán bộ quản lý cần tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định, cũng như các chương trình, kế hoạch của cấp trên cũng như có những mô hình hay, phương pháp mới phù hợp với xu thế và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ tiêu chuẩn cán bộ quản lý cũng như đánh giá, phân loại, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn chức danh cụ thể.
Thứ tư: Tăng cường cơ soat vật chất, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo. Cần tập trung rà soát lại và từ đó nghiên cứu quy định cơ cấu chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho giáo dục và đào tạo – với vị trí, vai trò là quốc sách hàng đầu; tăng cường xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, tăng cường đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục, trong đó khuyến khích thành lập các trường tư thục đa cấp chất lượng cao.
Thứ năm: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục. Tuyên truyền về giáo dục có tác dụng tạo chuyển biến nhận thức và sự đồng thuận cho nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đó là tuyên truyền về Nghị quyết 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như các chủ trương, chính sách mới về giáo dục đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; giáo dục mầm non, giáo dục nghề…
Thứ sáu: Chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp và định huống phân luồng học sinh, định hướng việc lựa chọn học nghề phổ thông của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ năng, phục vụ nhu cầu lao động xã hội; Tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức lối sống và phòng chống bạo lực học đường trong học sinh; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý được đẩy mạnh.
Thứ bảy: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục đào tạo. Thanh tra, kiểm tra để giữ vững và duy trì kỷ cương, trật tự, nề nếp, sự ổn định trong giáo dục, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như gian lận thi cử, dạy thêm học thêm tràn lan, vi phạm đạo đức lối sống trong đội ngũ giáo viên cũng như học sinh…Bên cạnh đó cũng cần kịp thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng tạo động lực tốt cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cũng như học sinh tích cực thi đua quản lý tốt, dạy tốt, học tốt.
Với những giải pháp trên, tin rằng chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện sẽ ngày càng được nâng cao, diện mạo của ngành GD&ĐT huyện Bình Xuyên sẽ từng bước đổi thay tích cực, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo, đặc biệt góp phát triển kinh tế văn hóa xã hội của huyện.
Nguyễn Duy Hưng