Dư luận cho rằng, sau nhiều năm xử lý vi phạm sử dụng đất đai ở huyện Hoài Đức, mọi công việc dường như vẫn chỉ nằm trên “giấy” và dừng lại ở… khẩu hiệu (?!). Chính vì vậy, tình trạng vi phạm không những không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng, nguy cơ mất an ninh trật tự xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân.
Bài 1: Ngang nhiên vi phạm Luật Đất đai
Theo ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội), đến tháng 5/2016, toàn thôn Lại Dụ đã phát hiện khoảng 30 vụ vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, nổi cộm nhất là những vi phạm về xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp.
Điều đáng nói, vi phạm diễn ra nghiêm trọng, UBND xã đã lập biên bản, xử lý đến hàng chục lần, nhưng “chưa trường hợp nào bị xử lý dứt điểm (?)”.
Nhà xưởng rộng hàng nghìn m2 ngang nhiên “mọc” trên đất nông nghiệp
Nhà xưởng “mọc” tràn lan trên đất nông nghiệp
Ghi nhận của PV ngày 25/5, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp trên các cánh đồng của thôn Lại Dụ, xã An Thượng đã và đang bị sử dụng để xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất... Tình trạng này diễn ra trong suốt thời gian dài, nhưng không được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, khiến người dân bất bình.
Quan sát kỹ, chúng tôi còn phát hiện nhiều công trình xây dựng nhà tầng ở kiên cố; đường điện bảo đảm cho sản xuất công suất lớn; đường giao thông rộng rãi, chắc chắn cho xe tải chuyên chở hàng hóa, nguyên vật liệu; nhà xưởng được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất lâu dài... Điều đáng nói, la liệt nhà xưởng ngang nhiên hoạt động này lại nằm hoàn toàn trên đất nông nghiệp, chưa được quy hoạch là điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Nguy hiểm hơn, các công trình này còn nằm trên bờ đê tả sông Đáy, trong khu vực hành lang thoát lũ quan trọng của TP. Hà Nội.
Quán cà phê “chềnh ềnh” tại chân đê tả sông Đáy, thuộc thôn Lại Dụ
Mặt khác, dù không được quy hoạch, nhưng toàn bộ nhà xưởng được tổ chức theo một trật tự nhất định, chia thành 2 khu rõ rệt. Khu nhà xưởng cũ nằm cạnh sông Đáy hình thành từ nhiều năm nay, đã đi vào sản xuất ổn định với nhiều sản phẩm liên quan đến ngành nghề cơ khí, sản xuất bánh kẹo, bao bì và kho bãi. Phía đối diện là khu nhà xưởng mới như một công trường, với một số xưởng vừa hoàn thành hoặc đang trong quá trình làm móng, lắp ghép khung thép và hoàn thiện bên ngoài.
Trong đó, có thể liệt kê: Nhà xưởng và kho khoảng 3.000 m2 của ông Phạm Văn Sơn; nhà xưởng của ông Lê Huy Thức 2.100 m2; Công ty TNHH Phú Thịnh 1.500 m2; nhà xưởng của bà Ngô Thị Thanh 1.300 m2; xưởng bánh kẹo của ông Nguyễn Quang Dương 1.200 m2; xưởng sản xuất máy ép gạch không nung của ông Trương Hùng Tiệp 1.050 m2; Công ty Tân Hưng Phát 1.050 m2; Công ty Bao bì Ánh Dương 1.050 m2; kho thuốc sâu của bà Nguyễn Thị Hồng Hà 1.050 m2…
Nghiêm trọng nhất là ở chân đê tả sông Đáy thuộc thôn Lại Dụ, có một quán cà phê nằm “chềnh ềnh” như thách thức dư luận và chính quyền địa phương. Người dân cho biết, mặc dù nhiều công trình nhà xưởng, nhà ở nằm ngay chân đê, trên đất nông nghiệp và đã hoạt động nhiều năm qua, song chưa thấy chính quyền địa phương xử lý?
“Kiên quyết, kiên quyết” trên… giấy (!)
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết: “Những vi phạm về sử dụng đất đai tại địa phương, xảy ra từ những năm trước, thời gian gần đây có phát sinh thêm và diễn ra ở cả xã. Riêng tại thôn Lại Dụ, có khoảng 30 trường hợp vi phạm. Ngoài các vi phạm làm nhà, xưởng trên đất nông nghiệp, còn có thông tin các hộ dân tự bán trao tay cho nhau, việc làm này là trái quy định Luật Đất đai”.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của UBND xã khi để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Đất đai, đặc biệt là những vi phạm mới đang xảy ra. ông Nguyễn Chí Lương thừa nhận trách nhiệm này thuộc chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, trang thiết bị không đầy đủ, quy mô vi phạm lớn nên UBND xã gặp rất nhiều khó khăn trong ngăn chặn, xử lý.
“Để xử lý dứt điểm tất cả các công trình vi phạm thì không phải dễ. Xã đang tiến hành kiểm tra, phân loại, những vi phạm cũ chúng tôi sẽ từng bước xử lý, đối với những vi phạm mới - sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm”, ông Lương nói.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị ông Lương cung cấp những tài liệu về quản lý đất đai, quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế, báo cáo của xã An Thượng lên UBND huyện Hoài Đức tại thôn Lại Dụ, ông Lương nói: “Tất cả hồ sơ, chúng tôi đều có làm văn bản, những tài liệu liên quan đến quản lý đất đai chỉ có cán bộ chuyên môn (cán bộ địa chính) là nắm rõ nhất. Nhưng nay, đồng chí bận đi xuống hiện trường làm cưỡng chế nên không thể tiếp và cung cấp cho PV được”...
Ông Lương “hứa” sẽ cung cấp tài liệu liên quan tới việc quản lý và sử dụng đất đai tại thôn Lại Dụ cho PV sang tuần tới. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi thông tin từ phía lãnh đạo xã An Thượng về sự việc.
Hoan Nguyễn