Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Phòng vệ thương mại: “Phao cứu hộ” doanh nghiệp khi ra biển lớn

Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), sản phẩm của DN nội sẽ phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên “sân nhà”, cũng như xuất khẩu. Vì vậy, phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa - “phao cứu hộ” DN khi ra biển lớn.

Phòng vệ thương mại - “phao cứu hộ” doanh nghiệp khi ra biển lớn
Phòng vệ thương mại - “phao cứu hộ” doanh nghiệp khi ra biển lớn

Một công cụ quan trọng

Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong thời gian gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, nhất là khi kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng trưởng nhanh, tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại quốc gia nhập khẩu.

Cụ thể, giai đoạn 2000 - 2016, đã có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 1 vụ/năm. Tính đến hết quý II/2021, có 207 vụ việc phòng vệ thương mại, do 21 quốc gia khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...

Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), bà Phạm Châu Giang nhìn nhận, phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp khi Việt Nam đang mở cửa và phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm đến từ các nước, nhất là trong bối cảnh gia nhập hàng loạt FTA.

“Một trong những công cụ mà các quốc gia sử dụng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đó là phòng vệ thương mại (gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp, được sử dụng nhằm chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế và ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước”, bà Châu Giang nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, phòng vệ thương mại là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Việc tham gia các FTA, đã tác động mạnh đến quá trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của chúng ta. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các FTA. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất của các nước này đề nghị chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

“Phòng vệ thương mại - đã giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời bảo vệ, tạo không gian phát triển cho các ngành sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu”, ông Long nói. 

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Nhôm Việt Pháp, Vũ Văn Phụ cho rằng, nước ta đã hội nhập sâu rộng toàn cầu, có quan hệ thương mại với hầu hết thị trường trên thế giới, rất nhiều FTA và Việt Nam đang được đánh giá là một nền kinh tế có độ mở rất lớn. Chúng ta đang chơi trên một sân chơi phẳng. Tuy nhiên, trên sân chơi phẳng đó sẽ có các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu (bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa...).

Do đó, để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, thì việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Doanh nghiệp Việt không ngừng nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới
Doanh nghiệp Việt không ngừng nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới

Hãy tuân thủ “luật chơi”!

Thực tế, gia tăng các biện pháp bảo hộ trong thương mại quốc tế - đang trở thành xu thế mà nhiều quốc gia sử dụng để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, đại dịch Covid-19, khiến nhiều ngành, lĩnh vực phải thu hẹp sản xuất, giảm công nhân và xu thế bảo hộ xuất hiện tại một số quốc gia, khu vực, vì vậy, nhiều nước đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất nội địa.

Theo thống kê, những năm gần đây, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Thực tế rõ nhất là, giai đoạn 2005 – 2010, có 25 vụ; giai đoạn 2011 – 2015, có 53 vụ; nhưng giai đoạn 2016 - 9/2021, số vụ liên quan đã lên tới con số 109.

Trước đây, khi Việt Nam chưa ký FTA, thì đa số mặt hàng có thuế suất 5 - 20%. Với ngưỡng thuế suất đó, hàng hóa của các nước nhập khẩu vẫn cạnh tranh ở các mức tương đối so với hàng xuất khẩu, trong đó có hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, khi chúng ta ký các FTA, đa số dòng thuế đều được đưa về 0%, khi đó, với năng lực của Việt Nam, chúng ta có các lợi thế nhất định  (nhân công rẻ, tài nguyên dồi dào, mạng lưới FTA rộng lớn…) dẫn đến hàng hóa của Việt Nam có năng lực cạnh tranh khá tốt.

Cùng với đó, việc nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ một số thị trường đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm...; hay như căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn, cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế, phòng vệ thương mại.

“Phòng vệ thương mại - được ví như “phao cứu hộ” của doanh nghiệp khi Việt Nam mở cửa và gia nhập hàng loạt FTA. Bởi đây là những công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.

Từ số liệu điều tra nhận thức về phòng vệ thương mại cho thấy, một số ngành, doanh nghiệp đã xác định được điều tra phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó đã chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài

Cùng với đó, đã có nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp dần quen và biết cách vượt qua rào cản thương mại để ổn định và tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Không ít doanh nghiệp đã có bộ phận chuyên xử lý các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài, nhất là các ngành xuất khẩu quan trọng như thủy sản, thép, dệt may”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Long, thực tế, phần lớn  doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiểu biết về phòng vệ thương mại chưa thấu đáo, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại. Họ cho rằng, các biện pháp này không trực tiếp tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện, trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục, các thông tin doanh nghiệp phải cung cấp.

Vì vậy, để đảm bảo lợi ích của mình khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt cần phải chấp nhận và tuân thủ “luật chơi”.

Doanh nghiệp cần chủ động…

Hiện nay, trước xu thế các vụ kiện phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu từ các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động trong việc đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời.   

Trải qua nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tự tích lũy cho mình những kinh nghiệm để ứng phó. Tuy nhiên, do mức độ hiểu biết về các biện pháp phòng vệ thương mại của không ít doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ dẫn đến sự lúng túng nhất định khi phải đối mặt giải quyết tranh chấp. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu: Để tự bảo vệ mình trước các kháng kiện về phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần chủ động trong nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại; nghiên cứu, tìm hiểu kỹ những quy định, luật pháp về phòng vệ thương mại của các quốc gia nhập khẩu, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, các nước ASEAN…  

“Khi doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại thì trước tiên, bản thân doanh nghiệp cần xác định phòng vệ thương mại chỉ là một biện pháp kỹ thuật, không phải rào cản mà chúng ta không thể vượt qua để có các phương án dự phòng, ứng phó trong trường hợp gặp phải. Các doanh nghiệp phải coi đây là yếu tố rất quan trọng, cần tính tới trong chiến lược phát triển sản xuất, xuất khẩu", ông Long khuyến cáo.

Các doanh nghiệp cần chủ động trong nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại (Ảnh minh họa)
Các doanh nghiệp cần chủ động trong nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại (Ảnh minh họa)

Ông Long chỉ ra: “Doanh nghiệp cần triển khai - áp dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, rõ ràng về xuất xứ, điều này giúp nâng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu việc “dính” tới những cáo buộc lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.

Khi có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền, trước hết là Bộ Công Thương, các cơ quan điều tra của nước ngoài. Kinh nghiệm cũng như thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, của cả ngành sản xuất trong quá trình ứng phó với việc điều tra của nước ngoài - là yếu tố quyết định trong việc có giảm thiểu được các tác động bất lợi của các biện pháp phòng vệ thương mại hay không.

Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với phía cơ quan điều tra trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu, phản biện các lập luận của nguyên đơn. Ngoài ra, doanh nghiệp không tham gia tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi nếu phát hiện các hành vi này, phía quốc nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng và trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan”.

Đánh giá mức độ rủi ro, khả năng ứng phó của doanh nghiệp, bà Phạm Châu Giang lưu ý, doanh nghiệp cần chủ động thu thập thông tin, trước hết từ các nhà nhập khẩu về động thái của doanh nghiệp nước sở tại, khi có doanh nghiệp phàn nàn về khó khăn của ngành sản xuất trong nước, hoặc phàn nàn về hàng Việt Nam giá rẻ, chiếm lĩnh thị phần cao… Phải coi đây là tín hiệu khởi đầu, có thể dẫn đến cuộc điều tra.

Bước tiếp theo, doanh nghiệp cần thông tin đến hiệp hội, đến Cục Phòng vệ thương mại, khi đó, Bộ Công Thương thông qua hệ thống thương vụ, sẽ có nghiên cứu cụ thể hơn về tình hình sản xuất ở nước đó bị thu hẹp ra sao, người lao động bị ảnh hưởng thế nào…, để đưa ra nhận định rõ ràng hơn về khả năng dẫn đến cuộc điều tra.

Bộ Công Thương đang duy trì hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại. Khi nhận được thông tin cảnh báo, Cục Phòng vệ thương mại sẽ liên hệ với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu lớn để trao đổi thông tin và thảo luận các biện pháp ứng phó.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn...
Hoàn thiện khung khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn....

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đề ra 5 trụ cột chính.

Một là, hoàn thiện khung khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn trong bảo vệ sản xuất trong nước.

Hai là, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng vệ thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Ba là, tăng cường đào tạo cho các ngành hàng, với từng thị trường cụ thể.

Bốn là, tăng cường năng lực cho các trường đại học, viện nghiên cứu - nơi đào tạo đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý.

Năm là, tăng cường đối thoại với các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam, thường xuyên sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại...

Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không bị phụ thuộc vào một thị trường cụ thể, đồng thời duy trì hệ thống sổ sách, kế toán minh bạch.

Hải Minh

Bài liên quan

Tin mới

Bao giờ cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA được thực hiện?
Bao giờ cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA được thực hiện?

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa cho biết, thời gian qua nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này.

Phú Yên tạm giữ 7.465 đơn vị sản phẩm vận chuyển trái phép
Phú Yên tạm giữ 7.465 đơn vị sản phẩm vận chuyển trái phép

Tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên cho biết: Đơn vị vừa kiểm tra, phát hiện một vụ vận chuyển hàng hóa trái phép với số lượng lớn. Theo đó, 7.465 đơn vị sản phẩm vận chuyển trái phép đã bị tạm giữ.

Thành phố Hạ Long: Khắc phục tình trạng thiếu bãi đỗ xe
Thành phố Hạ Long: Khắc phục tình trạng thiếu bãi đỗ xe

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hạ Long có trên 32.000 phương tiện xe ô tô các loại nhưng các điểm, bãi đỗ xe mới đáp ứng được khoảng 20.000 xe. Để giải quyết vấn đề thiếu bãi đỗ xe, nhiều giải pháp linh hoạt đang được thành phố tích cực triển khai.

Kiểm tra, thu giữ gần 550 kg nầm lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Kiểm tra, thu giữ gần 550 kg nầm lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Trong 2 ngày 23, 24/4, Đội Quản lý thị trường số 8 (QLTT) phối hợp với Chi cục Hải quan Hoành Mô kiểm tra, thu giữ 550 kg nầm lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bốc mùi hôi.

Tỷ giá USD hôm nay 25/4: Tăng nhẹ trở lại
Tỷ giá USD hôm nay 25/4: Tăng nhẹ trở lại

Rạng sáng 25/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 1 đồng, hiện ở mức 24.274 đồng. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,15%, đạt mốc 105,82.

Giá cà phê hôm nay 25/4: Vượt mốc 130.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 25/4: Vượt mốc 130.000 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 25/4 tiếp tục tăng, trong khoảng 131.500 - 131.500 đồng/kg.