Trong quy định vừa được thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký ban hành và có hiệu lực thực hiện từ 15-3 tới, phụ nữ độc thân, cặp vợ chồng vô sinh có quyền sinh con nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ. 

Người nhận mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng, tức là chị/em cùng cha mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ, chị em con chú bác, con cô cậu...

Quy định này cũng yêu cầu giữ bí mật nhân thân, bí mật đời sống cá nhân cho vợ chồng mang thai hộ, nhờ mang thai hộ, trẻ sinh ra từ mang thai hộ. Việc cho/nhận tinh trùng, cho nhận phôi thực hiện trên nguyên tắc vô danh. 

Phụ nữ độc thân có quyền sinh con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm - Hình 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bế bé Phạm Thuỳ Linh, chào đời trưa 30 tết Kỷ Hợi tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Ảnh: Lan Anh)

Tinh trùng, phôi cho/nhận được mã hoá để giữ bí mật nhưng phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

Bộ Y tế cũng cho biết trước khi cho tặng tinh trùng, trứng, người cho được xét nghiệm để đảm bảo không mắc bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không nhiễm HIV... Tinh trùng/ trứng được hiến tặng chỉ được sử dụng cho một người nhận, trường hợp không thành công mới được sử dụng cho người khác. 

 

Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, trứng còn lại phải được huỷ hoặc hiến tặng cho cơ sở y tế làm nghiên cứu khoa học.

Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm từ năm 1998, trong hơn 20 năm qua đã có hàng chục ngàn trẻ ra đời nhờ hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình hiếm muộn.

Cao Huyền