Rừng phòng hộ có ý nghĩa đặc biệt trong việc giữ đất, giữ nước, hạn chế xói mòn, thiên tai, điều hòa khí hậu và bảo vệ các nguồn gen động, thực vật; cảnh quan môi trường... Nhưng hiện nay, tại xã Kim Thượng, một nhóm đối tượng ngang nhiên mở đường rừng phòng hộ để khai thác, vận chuyển đá quý.

Phú Thọ: Phá rừng phòng hộ khai thác đá quý không phép - Hình 1

Phú Thọ: Phá rừng phòng hộ khai thác đá quý không phép - Hình 2

Các đối tượng tự ý mở đường vào rừng phòng hộ để khai thác đá trái phép

Nhiều người dân khu Tân Hồi cho biết, hoạt động khai thác đá không chỉ mới diễn ra gần đây, mà đã tồn tại từ lâu. Đá khai thác được rất đẹp và có giá trị bởi là loại đá quý (đá phong thủy); sau khi thác thác sẽ được các đối vận chuyển về Hòa Bình. Việc khai thác đá ở đây, cả huyện và xã đều biết. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Được biết, ngày 15/5/2018, UBND huyện Tân Sơn đã có Văn bản số 374/UBND-TNMT về việc kiểm tra, xử lý hoạt động san gạt làm đường giao thông để khai thác vận chuyển gỗ tại khu Tân Hồi, xã Kim Thượng. Trong đó, yêu cầu Phòng TNMT, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện và UBND xã Kim Thượng chủ động tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý nắm bắt địa bàn nhằm phòng ngừa các hành vi thăm dò, khai thác, vận chuyển khoảng sản trái phép trên địa bàn xã Kim Thượng.

Theo đó, các lực lượng chức năng của huyện đã thu giữ 70 m3 đá (nghi khoáng sản), một máy ép thủy lực, máy múc và một số phương tiện mà các đối tượng đã tập kết tại khu vực rừng phòng hộ và nhà văn hóa khu Tân Hồi. Đồng thời, điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng và xử lý theo quy định của pháp luật…

Ông Hà Văn Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Kim Thượng khẳng định, sau khi có đoàn kiểm tra thì mọi hoạt động khai thác đá không phép đã được dẹp bỏ. Cụ thể, kết quả việc xác minh làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng nêu trên như thế nào ông Thọ không nắm rõ (?!).

Trái với khẳng định của ông Thọ, sáng 14/10, tại ruộng lúa đang chín, chỉ ít ngày nữa sẽ được hộ ông Bàn Văn Dậu (khu Tân Hồi) thu hoạch, có một máy xúc cỡ lớn đang hoạt động hết công suất để khai thác đá. Máy xúc đào hố sâu, rộng, làm bới tung ruộng lúa, biến dạng địa hình và những tảng đá to với màu sắc rõ nét được khai thác lên.

Phú Thọ: Phá rừng phòng hộ khai thác đá quý không phép - Hình 3

“Một số người đã đưa máy xúc, phương tiện đến diện tích đất của gia đình tôi để san gạt nền (thực chất khai thác đá). Những người này, tự lo “thủ tục” với chính quyền địa phương và thỏa thuận trả cho gia đình tôi 10 triệu đồng/tháng; dự kiến đưa máy vào múc trong vòng 8 tháng. Sáng nay (14/10), tôi mới chỉ nhận được 1 triệu đồng hỗ trợ lúa ruộng bị đào bới. Cuối ngày, các đối tượng sẽ trả 10 triệu”, ông Dậu nói.

Ngoài diện tích đất trồng lúa hộ ông Dậu, cũng tại địa bàn xã Kim Thượng, một diện tích lớn rừng phòng hộ bị các đối tượng tàn phá để khai thác đá. Địa điểm này, nằm cách UBND xã Kim Thượng khoảng 10 km; các đối tượng đã chuẩn bị cho hoạt động khai thác đá quý rất công phu. Theo đó, đi qua nhiều đoạn đường mấp mô, các con suối, giữa rừng phòng hộ cả một con đường dài được mở để phục vụ hoạt động khai thác đá quý.

Phó chủ tịch UBND xã Kim Thượng Hà Văn Thọ cho biết, hộ ông Dậu chưa làm đơn gửi xã xin san gạt mặt bằng. Việc máy xúc đào bới khu ruộng lúa của hộ ông Dậu là sai quy định pháp luật. Chiều 14/10, UBND xã Kim Thượng đã lập biên bản hiện trường tại hộ ông Đinh Văn Dậu và yêu cầu dừng mọi hoạt động.  

“Diện tích xã Kim Thượng lớn, nằm giáp Hòa Bình nên việc quản lý, kiểm tra, phát hiện các hoạt động khai thác đá không phép rất khó khăn. Nhiều khi nhận phản ánh của người dân, cán bộ xã đến nơi thì không bắt được quả tang, chủ phương tiện đã bỏ đi”, ông Thọ nói.

Tuy nhiên, bất chấp việc UBND xã Kim Thượng đã có văn bản yêu cầu đình chỉ việc san gạt để lợi dụng khai thác đá, ngày 15/10, các đối tượng tiếp tục khai thác đá không phép tại khu Tân Hồi và vận chuyển ra sát đường giao thông chở đi tiêu thụ.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Tạ Ngọc Yến thông tin: UBND huyện đã yêu cầu lực lượng chức năng của huyện tiến hành kiểm tra việc khai thác đá, xử lý theo đúng quy định pháp luật và có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác không phép khoáng sản trên địa bàn.

Việc khai thác đá không phép ở Kim Thượng được các đối tượng thực hiện công khai, diễn ra trong thời gian dài. Đáng bàn là rừng phòng hộ cũng ngang nhiên bị phá hủy để phục vụ hoạt động khai thác đá quý, gây bức xúc trong dư luận…

Đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác đá tại đây.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân (Trung tâm Con người và thiên nhiên): "Việc phá rừng phòng hộ khai thác khoáng sản không được chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý kịp thời, sẽ làm tài nguyên chảy máu, thất thu thuế; phá vỡ cảnh quan, mất an ninh trật tự và về lâu dài, gây hệ lụy nghiêm trọng về thiên tai, nhất là xói lở, lũ ống"…

 Hoan Nguyễn