THCLTrước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh các biện pháp phòng chống nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong gia súc, gia cầm.
Phú Thọ là tỉnh có tổng đàn gia cầm đứng đầu các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, với tổng đàn trên 12 triệu con; quy mô chăn nuôi tăng cao trong những năm gần đây nên rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm sống trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được quản lý chặt chẽ khiến cho bệnh dịch ở các tỉnh khác dễ lây lan dịch cúm, ảnh hưởng đến đàn vật nuôi của tỉnh.
Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật cầu Trung Hà phun thuốc sát trùng cho phương tiện vận chuyển gia cầm
Nhiều hộ nông dân vẫn mua con giống mua từ các nguồn trôi nổi, không được tiêm chủng phòng bệnh nên sức đề kháng yếu, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa nên có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao…
Ông Dương Văn Hòa (thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy) cho biết: "Qua kênh thông tin truyền thông, tôi được biết, một số tỉnh ở Việt Nam đã bùng phát ổ dịch cúm gia cầm. Để phòng chống dịch cúm với đàn gia súc, gia cầm gia đình nuôi, tôi đã chủ động phun vệ sinh phòng dịch, phun sát trùng trong trang trại, giữ gìn môi trường chăn nuôi thông thoáng. Người dân chúng tôi cũng rất mong nhận được thông tin hướng dẫn kịp thời của chính quyền địa phương trong việc chăn nuôi để hạn chế tối đa thiệt hại".
Việc kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn Phú Thọ được cơ quan chức năng coi trọng. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Người dân được tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cúm
Ông Bùi Chí Vinh, Phó Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật cầu Trung Hà (xã Hồng Đà, huyện Tam Nông) thông tin: "Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm Trạm chúng tôi phân công cán bộ trực 24/24, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của động vật, số lượng, chủng loại; kiểm tra dấu, tem niêm phong phương tiện vận chuyển. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm chúng tôi ngay lập tức tạm đình chỉ và xử lý theo quy định của pháp luật".
Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết: "Chi cục Thú y đã thành lập các tổ tiến hành kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ giám sát phòng chống dịch cúm tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức lấy 300 mẫu kép để giám sát lưu hành vi rút gia cầm tại 60 xã; sau đó tiến hành xét nghiệm xác định khả năng xuất hiện dịch bệnh".
Đồng thời, chuẩn bị hơn 8.900 lít hóa chất phục vụ phun khử trùng tiêu độc tại tất cả các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, nhỏ lẻ, các cơ sở chế biến, giết mổ, buôn bán và các phương tiện vận chuyển động vật lưu thông qua địa bàn.
Với diễn biến phức tạp của dịch cúm, Sở Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo chi cục thú y đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi nhỏ lẻ chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm; khi phát hiện gia cầm chết bất thường cần báo cáo ngay đến cơ quan thú y để kịp thời xử lý; tăng cường công tác kiểm dịch đối với con giống và gia cầm thịt lưu thông qua địa bàn hoặc vận chuyển vào tỉnh.
Hoan Nguyễn