Theo Reuters, giá dầu thô Brent có lúc đạt mức gần 94 USD/thùng còn con số này của dầu thô WTI là gần 88 USD/thùng.
Mức cắt giảm nói trên của OPEC+ được xem là lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Dù vậy, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman cho biết con số cắt giảm trong thực tế sẽ là từ 1-1,1 triệu thùng/ngày, một phần do nhiều thành viên OPEC+ đang khai thác dưới hạn ngạch.
Riyadh nhấn mạnh, bước đi này là cần thiết để đối phó việc nhiều nước tăng lãi suất và sự suy yếu của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, theo Reuters, quyết định của OPEC+ tại cuộc họp ở thủ đô Vienna - Áo hôm 05/10 đã làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ nguồn cung dầu thiếu hụt và lạm phát tiếp tục leo thang. Rạn nứt ngoại giao giữa phương Tây và OPEC+ cũng vì thế mà thêm nghiêm trọng.
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) lo ngại giá năng lượng cao sẽ làm tổn thương kinh tế toàn cầu, cũng như cản trở nỗ lực hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga theo sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giá dầu có thể tiếp tục còn tăng, khiến nhiều chính phủ ở Châu Á thêm lo ngại về lạm phát. Với Châu Âu, an ninh năng lượng là cơn đau đầu không nhỏ khi nhiều nước dự kiến thay khí đốt Nga bằng dầu để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông năm nay.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ dự kiến diễn ra ở Mỹ vào tháng tới, thời điểm OPEC+ đưa ra quyết định trên không có lợi cho Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch Công ty Tài chính S&P Global (Mỹ), nhận định động thái cắt giảm sản lượng dầu được xem là can thiệp chính trị vào cuộc bầu cử Mỹ dù nó chỉ có hiệu lực vào tháng 11.
Không gì lạ khi Nhà Trắng đã chỉ trích quyết định của OPEC+ là "thiển cận" và cho biết Tổng thống Biden ra lệnh xuất bán 10 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) vào tháng tới để giúp hạ nhiệt giá dầu.
Theo một số nhà phân tích, những gì OPEC+ đang làm cho thấy chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ đối mặt không ít thách thức vào thời điểm kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái và chính trị năng lượng trở thành một phần quan trọng của cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo họ, ảnh hưởng của Mỹ lên OPEC về vấn đề nguồn cung không còn mạnh như trước. Trong khi đó, việc sử dụng SPR không giải quyết những vấn đề dài hạn liên quan đến nguồn cung nhưng lại đang dần rút cạn kho này.
Với EU, động thái cắt giảm sản lượng mạnh của OPEC+ có thể làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ thiếu nguồn cung khi biện pháp cấm vận dầu thô và sản phẩm dầu Nga của khối này lần lượt có hiệu lực vào tháng 12/2022 và tháng 02/2023.
Ngoài ra, EU còn có thể gặp khó khi thực hiện kế hoạch hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga để trả đũa Moscow về cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo tờ The New York Times, quyết định của OPEC+ có thể giữ giá dầu toàn cầu ở mức cao, từ đó giúp Moscow tiếp tục kiếm được nguồn thu đáng kể từ xuất khẩu dầu thô.
Ngoài ra, quyết định này có thể khiến một số nước, như Trung Quốc và Ấn Độ, bớt ủng hộ áp trần giá dầu Nga. Nếu không có sự hợp tác của các quốc gia mua nhiều dầu Nga, kế hoạch áp trần giá dầu Nga sẽ ít tác động hơn nhiều.
Hoàng Phương/NLĐ