Chậm tiến độ nhiều năm

Theo người dân tại tổ dân phố số 5, ngõ 40 Xuân La, phường Xuân Tảo, các căn nhà tại Khu nhà ở để bán Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội trước đây, nay thuộc phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (dự án) được bàn giao cho cư dân vào năm 2004, các căn hộ thuộc chung cư 9 tầng trong dự án bàn giao cho dân vào năm 2006 là chậm tiến độ so với hợp đồng là từ quý IV/2002. 

 Phường Xuân Tảo: Cư dân phản đối phê duyệt xây dựng nhà trẻ vượt tầng - Hình 1

Tiến độ thực hiện theo Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội

Cư dân cho biết thêm, trong tiền mua bán nhà đã có hết các phần cho các hạng mục như đường xá đi lại, nhà trẻ... thế nhưng sau 18 năm, hạng mục nhà trẻ nằm trong lõi dự án vẫn chưa xây dựng, gây ảnh hưởng đến việc học tập của con em cư dân thuộc dự án.

Cư dân còn cung cấp cho phóng viên văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội số 961/SGD&ĐT gửi cho CĐT là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội vào ngày 15/5/2006 có ghi rõ: “Việc xây dựng công trình trường mầm non phục vụ cho nhu cầu gửi con của dân cư trong khu nhà ở là cần thiết... Quy mô trường mầm non tại lô NT gồm 3 nhóm lớn trên diện tích đất 1215m2, diện tích xây dựng 399m2, diện tích sàn là 827m2, mật độ xây dựng là 32,8%. Dự án cần phân tích phạm vi phục vụ của công trình và đưa ra khả năng tiếp nhận số cháu để nuôi dạy tại công trình”. Anh Nguyễn Hoàng Long, đại diện cư dân dự án cho biết: “Tôi khẳng định hạng mục nhà trẻ này chỉ phục vụ cho dân cư tại dự án thôi, vì có quyết định kia đã nói rõ rồi, chính vì thế mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không đưa trường này vào mạng lưới trường học tại địa bàn”.

 Phường Xuân Tảo: Cư dân phản đối phê duyệt xây dựng nhà trẻ vượt tầng - Hình 2

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội số 961/SGD&ĐT gửi cho CĐT là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội vào ngày 15/5/2006

Cư dân đặt ra nghi vấn, tại sao suốt 18 năm qua, hạng mục nằm trong dự án lại không xây dựng mà chỉ là một bãi đất trống? Vậy số tiền của người dân mua nhà có phần chi phí cho hạng mục đó đã bị CĐT dùng vào việc gì?

Điều chỉnh vượt quy hoạch

Người dân cho biết, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất cho Công ty Thiết kế xây dựng nhà thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội để đầu tư xây dựng khu nhà ở tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày 22/3/2001 : “Đối với diện tích đất xây dựng công trình công cộng (gồm nhà trẻ, vườn hoa, cây xanh, vỉa hè, đường nội bộ và đường giao thông khu vực) là 19.275m2, giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Chậm tiến độ xây dựng hạng mục nhà trẻ tại dự án đã đành, CĐT còn khiến người dân bức xúc hơn khi được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phê duyệt điều chỉnh hạng mục này tới 4 lần, đặc biệt việc điều chỉnh quy hoạch này phá vỡ không gian của dự án.

Theo Tổng mặt bằng chấp thuận ngày 15/9/2000, diện tích xây dựng là 270m2, mật độ xây dựng là 22%, tầng cao công trình là 2 tầng, hệ số sử dụng đất là 0,4 lần. 

Năm 2006, theo đề nghị của Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng dự án tại văn bản số 806/QHKT-P1 ngày 7/6/2006 với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, diện tích khu đất khoảng 1230m2, diện tích xây dựng khoảng 399m2, tổng diện tích sàn khoảng 827m2, mật độ xây dựng khoảng 32,4%, hệ số sử dụng đất khoảng 0,67 lần, tầng cao công trình 2 lần. 

Năm 2012, theo đề nghị của Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã cấp giấy phép quy hoạch số 141/GPQH ngày 11/5/2012 (có thời hạn 12 tháng) cho Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội với diện tích khu đất khoảng 1230m2, diện tích xây dựng khoảng 473m2, mật độ xây dựng khoảng 38,4%, tầng cao công trình là 4 tầng, tuy nhiên đến nay thời hiệu thực hiện giấy phép quy hoạch này đã hết.

Ngày 17/8/2017, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định chủ trương đầu tư số 5642/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Nam Phương thực hiện dự án đầu tư trường Mầm non trong dự án Khu nhà ở bán Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo với quy mô diện tích khu đất là 1230m2, diện tích xây dựng khoảng 473m2, mật độ xây dựng khoảng 38,4%, diện tích sàn xây dựng là 1939m2, tầng cao công trình là 4 tầng. CĐT đề xuất thêm diện tích xây dựng sàn là 1942m2 và thêm 1 tầng hầm.

Như vậy, qua 4 lần Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội xin điều chỉnh quy hoạch và đều được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận, tầng cao công trình tăng từ 2 lên 4 tầng, mật độ xây dựng tăng từ 22% đến 38,4%, diện tích xây dựng tăng từ 270m2 đến 473m2, diện tích sàn xây dựng từ 827m2 lên 1939m2 (theo quyết định được phê duyệt).

 Phường Xuân Tảo: Cư dân phản đối phê duyệt xây dựng nhà trẻ vượt tầng - Hình 3

Các lần phê duyệt điều chỉnh của Sở Quy hoạch – Kiến trúc

Người dân bức xúc cho rằng: “Việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu mật độ xây dựng, chiều cao công trình khu nhà trẻ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ 250 hộ dân mua nhà và đang sinh sống tại dự án chứ không phải chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một số người dân trong dự án như báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc.” 

Cầm văn bản của Sở Quy hoạch Kiến trúc số 7039 về việc dự án trường Mầm non trong khu nhà ở Xuân Đỉnh ngày 15/11/2018 gửi UBND Quận Bắc Từ Liêm trên tay, cư dân bức xúc bởi có nhiều điểm bất hợp lý. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 5 nói: “Sở Quy hoạch Kiến trúc nói UBND phường Xuân Tảo đồng ý nhưng dừng ở đó làm mọi người hiểu là đồng ý với Sở, nhưng thực tế là phường đồng ý với người dân ở đây là không điều chỉnh quy hoạch lên 4 tầng, chỉ 2 tầng thôi. Sở nói là đây là ý kiến của một số người dân nhưng thực tế là toàn bộ tổ dân phố chúng tôi, hơn 230 hộ, chỉ trừ gia đình ông Hạnh thôi vì con trai ông là Giám đốc Công ty TNHH Nam Phương, liên danh với CĐT để làm công trình này, Sở báo cáo lên UBND Thành phố ”.

“Thứ hai, đã vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh 34 của Quốc hội, đó là các công trình liên quan trong cộng đồng cư dân phải xin ý kiến của cư dân, nhưng đây CĐT đã phớt lờ cư dân và không tôn trọng cư dân”, bà Thanh cho biết.

Bà Thanh còn đặt ra nghị vấn: “Có lợi ích nhóm tại đây vì tất cả những lần doanh nghiệp xin điều chỉnh, tổng là 4 lần đều tăng về diện tích, số tầng...và Sở Quy hoạch Kiến trúc đều “chạy theo” doanh nghiệp để chấp nhận phê duyệt, mà không đáp ứng nguyện vọng của cư dân”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố số 5 cho biết: “Hoàn toàn không có cơ sở nào để tăng số tầng lên cả. Tất cả những lần thay đổi đều không xin ý kiến cư dân. Hạng mục nhà trẻ này là thuộc dự án chứ không phải là phục vụ xã, phường. Chủ sở hữu khu này phải là cư dân”.

Trong đơn kiến nghị của cư dân tổ 5 phường Xuân Tảo vào ngày 25/6/2018 có viết: “Lý do duy nhất của Sở Quy hoạch Kiến trúc nhằm biện minh cho việc ủng hộ  đề xuất điều chỉnh tăng chỉ tiêu mật độ xây dựng, tầng cao công trình xây dựng khi nhà trẻ của CĐT là do tại thời điểm năm 2000 nhu cầu chưa cao nên xác định tầng cao công trình là nhà trẻ là 2 tầng. Tuy nhiên sau 10 năm khu vực phường Xuân Tảo đã phát triển từ xã lên phường, theo báo của UBND phường Xuân Tảo nhu cầu nhà trẻ trên địa bàn phường còn thiếu”. Cư dân cho rằng nhà trẻ này thuộc phạm vi dự án và quy mô học sinh chỉ có 82 cháu, đã được làm rõ trong Báo cáo thẩm định số 1129/BC-KH&ĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội ngày 17/8/2017, không khác so với quy mô 82 cháu theo căn cứ quy định tại QCXDVN và Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND Thành phố Hà Nội”.

 Phường Xuân Tảo: Cư dân phản đối phê duyệt xây dựng nhà trẻ vượt tầng - Hình 4

Đơn kiến nghị của cư dân tổ 5 phường Xuân Tảo vào ngày 25/6/2018

Ông Dũng cho rằng: “Khi xã Xuân Đỉnh tách ra thì phường Xuân Tảo đã có quy hoạch khu đất để xây nhà trẻ phục vụ nhân dân trong phường rồi, không thể viện lý do là phát triển đô thị từ xã lên phường thế được”.

Đơn kiến nghị của người dân cũng nhấn mạnh: “Công trình nhà trẻ này là một trong các hạng mục tiện ích phục vụ người dân mua nhà của dự án, đã được dự toán trong tổng mức đầu tư và phân bổ trong giá bán nhà, do đó bất cứu điều chỉnh nào liên quan đến hạng mục này phải được sự đồng ý của bên hưởng thụ là những người mua nhà và sinh sống trong dự án”.

Trong văn bản số 7039/QHLT-P1 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc gửi UBND quận Bắc Từ Liêm, chỉ có một lần điều chỉnh duy nhất là vào ngày 11/5/2012 là Sở cho rằng đã có văn bản xin ý kiến các Sở, ngành, chính quyền địa phương về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch của ô đất NT nêu trên, trên cơ sở thống nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND xã Xuân Đỉnh thì Sở Quy hoạch Kiến trúc mới cấp giấy phép quy hoạch cho CĐT.

Ông Phạm Năng Ngọc, Trưởng ban quản trị lâm thời chung cư G9 cho hay: “Nhà trẻ xây 4 tầng sẽ phá vỡ quy hoạch không gian và cảnh quan tại đây, trong khi các nhà biệt thự ở đây chỉ xây tối đa 3,5 tầng. Nếu điều chỉnh quy hoạch xây dựng này sẽ dẫn đến quá tải hạ tầng, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt cư dân chúng tôi là chủ sở hữu không có nhu cầu xây thêm, đề nghị xây dựng đúng như thiết kế ban đầu được phê duyệt”.

Mới đây nhất, ngày 22/5/2018, UBND Thành phố Hà Nội có văn bản số 2211/UBND-ĐT gửi các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyện môi trường và UBND quận Bắc Từ Liêm, trong đo có nói: “Yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ thực hiện xây dựng nhà trẻ trong năm 2018, tuyệt đối không điều chỉnh chức năng làm thay đổi chức năng nhà trẻ của khu ở”. Thế nhưng, đến nay đã sang tháng 12/2018, khu vực để xây nhà trẻ vẫn là một bãi đất trống.

Phường Xuân Tảo: Cư dân phản đối phê duyệt xây dựng nhà trẻ vượt tầng - Hình 5

UBND Thành phố Hà Nội có văn bản số 2211/UBND-ĐT gửi các Sở ngày 22/5/2018

 Phường Xuân Tảo: Cư dân phản đối phê duyệt xây dựng nhà trẻ vượt tầng - Hình 6

Khu đất xây dựng công trình nhà trẻ thuộc dự án vẫn là bãi đất trống

Liên danh đầu tư sai nguyên tắc?!

Cư dân cho biết, năm 2017, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội đã liên danh cùng Công ty TNHH Nam Phương để xây dựng nhà trẻ này. Tuy nhiên, anh Nguyễn Hoàng Long cho biết: “Việc liên danh góp vốn như vậy cũng là không đúng, bởi theo văn bản số 772 ngày 7/2/2007 của UBND Thành phố Hà Nội gửi các Sở và CĐT Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội có nói rằng CĐT chủ động tìm kiếm và phối hợp với tổ chức, đơn vị có kinh nghiệm và ngành nghề hoạt động phù hợp chức năng sử dụng công trình nêu trên để đảm bảo việc khai thác, quản lý sử dụng sau này đạt hiệu qủa cao. Thế nhưng thực tế, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội coi như đã bán cho Công ty TNHH Nam Phương ô đất này là 5 tỷ, bởi Công ty TNHH Nam Phương đã góp số tiền là 22/27 tỷ để xây dựng nhà trẻ này, rõ ràng việc xây dựng là của CĐT, công ty Nam Phương đáng lẽ chỉ là khai thác, vận hành”.

Đơn kiến nghị của cư dân cho biết, trong trường hợp Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội không làm đúng chức năng, vẫn cố tình chạy theo lợi ích của doanh nghiệp, phớt lờ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân để cấp giấy phép quy hoạch, điều chỉnh tăng chỉ tiêu mật độ xây dựng, tầng cao công trình... thì chủ thể hưởng thụ của công trình nhà trẻ này là chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu mại lên các cấp có thẩm quyền.

Ngày 20/8/2018, các cư dân tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng. Trong đơn kiến nghị cho biết: “UBND Thành phố đã có hai văn bản chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức đối thoại, trả lời các kiến nghị của dân cư theo quy định và báo cáo UBND thành phố kết quả giải quyết. Tuy nhiên, cho đến nay không hiểu vì lý do gì Sở Quy hoạch – Kiến trúc vẫn chưa tổ chức làm việc với cư dân theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố.

Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Trúc Mai