Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, mạng lưới thương mại ngày càng được đầu tư và phát triển; một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hình thành hoặc được chuyển đổi, khôi phục hoạt động sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các đối tượng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao có thể trà trộn, lén lút đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong lưu thông và thực hiện các hành vi kinh doanh trái phép khác.
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán hàng hóa qua mạng Internet phát triển mạnh, việc kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách nhà nước, thậm chí gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc chú trọng kiểm tra thị trường, tăng cường công tác quản lý, nắm bắt địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Cục QLTT yêu cầu các đội QLTT chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố tổ chức triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình, địa bàn, thu thập thông tin để xác định đối tượng vi phạm, từ đó có phương án đấu tranh xử lý có hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng việc tuyên truyền, ký cam kết cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh không vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân đồng tình, hỗ trợ, sẵn sàng cung cấp thông tin về các trường hợp vi phạm.
Theo Cục QLTT, năm 2022 và quý I/2023, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 1.103 vụ, xử lý 431 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng cấm; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 7.134.825.000 đồng, trong đó phạt vi phạm hành chính là 3.483.875.000 đồng, phát mại hàng tịch thu 3.534.750.000 đồng, thu lợi bất hợp pháp số tiền là 6.200.000 đồng; tổng giá trị hàng hóa bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy là 1.202.359.000 đồng.
Lực lượng QLTT tịch thu hàng hóa vi phạm, gồm: 2.150 cái kính cường lực điện thoại, 110 dây sạc điện thoại, 350 chiếc áo các loại, 4.680kg quần áo đã qua sử dụng, 4.320 chiếc bóng đèn sưởi, 44 hộp phấn nước nhãn hiệu Dior; buộc tiêu hủy 1.465 chiếc áo giả mạo nhãn hiệu, 100kg tai lợn, 110kg mực ống, 30kg thịt, 1.050kg lòng lợn, 150 gói bò khô, 170 lọ tinh dầu, 177 đôi giày giả mạo nhãn hiệu, 1.152 chiếc dao cạo râu…
Hải Minh